Triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo", đến nay các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đăng ký thực hiện hơn 300 mô hình, điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực phát triển kinh tế chiếm số lượng lớn với trên 200 mô hình.
Ở các mô hình này, Hội Nông dân các cấp đã chủ động khai thác các nguồn vốn giúp nông dân vay phát triển sản xuất, đồng thời kết hợp chặt chẽ với tập huấn KHKT, hướng dẫn nông dân cách làm ăn… Tính chung trong toàn tỉnh, từ năm 2018 đến nay các cấp Hội đã tham gia dạy nghề cho hơn 21 nghìn hội viên nông dân, sau học nghề có khoảng 80% lao động có việc làm, thu nhập ổn định.
Các cấp Hội cũng đã phối hợp tổ chức chuyển giao KHKT cho hàng trăm lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia với nhiều nội dung đa dạng. Qua đó giúp hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất.
Từ những hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đó, đã có nhiều mô hình "Dân vận khéo" trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương như: mô hình trồng cà chua bi ở xã Mai Sơn (Yên Mô); mô hình tổ hợp tác nuôi con đặc sản tại xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp); mô hình HTX nấm và cây dược liệu tại xã Khánh Công (Yên Khánh)…
Đáng chú ý trong năm 2019, các cấp Hội tập trung xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trong vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đô thị.
Vận động nông dân tích tụ ruộng đất, liên kết phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thương hiệu nông sản an toàn, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao; góp công, góp của, hiến kế, thu hút nguồn lực xây dựng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; xây dựng các mô hình phát triển du lịch cộng đồng…
Ở lĩnh vực văn hóa xã hội, việc xây dựng mô hình "Dân vận khéo" được cụ thể hóa trong vận động hội viên nông dân tự nguyện, tự giác thực hiện nếp sống văn minh du lịch, đô thị, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thực hiện nếp sống văn hóa công sở; xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa; góp công, góp của xây dựng công trình phúc lợi xã hội; các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, địa phương, cơ quan, đơn vị; về đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, công tác nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội; xây dựng xứ, họ đạo bình yên, chùa tinh tiến; tham gia giải quyết có hiệu quả những vấn đề hội viên nông dân đang quan tâm…
Đa dạng các hoạt động "Dân vận khéo", các cấp Hội đã và đang chú trọng xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng thông qua việc vận động hội viên nông dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; vận động hội viên, nông dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo…
Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục duy trì, phát triển bền vững những mô hình "Dân vận khéo" đã có. Đồng thời tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm, phổ biến cách làm hay, sáng tạo, gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua "Dân vận khéo"; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lựa chọn nhân diện những mô hình "Dân vận khéo" tiêu biểu, có tác động tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đã được biểu dương, khen thưởng. Quá trình triển khai nhân diện sẽ đặc biệt quan tâm đến phương pháp, cách làm "Dân vận khéo" của mô hình nhân diện đảm bảo linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, đơn vị.
Đào Duy