Anh Đinh Văn Nhị ở tổ 8, phường Tân Bình là người đi tiên phong trong phong trào nuôi rắn thương phẩm trên địa bàn. Anh Nhị cho biết: Gia đình tôi nuôi rắn gần 3 năm nay, thời gian đầu tôi tìm mua rắn nhỏ, tự nhiên do người dân bắt được để nuôi rồi cho phối giống. Năm đầu tiên không có thu nhập nên các hộ dân xung quanh cũng như những người thân trong gia đình tôi có phần e ngại, không tin tưởng vào hiệu quả của mô hình này. Do đã tìm hiểu khá nhiều về kỹ thuật nuôi rắn thông qua những tài liệu của Hội Nông dân cung cấp và tham quan mô hình ở những địa phương khác nên tôi vẫn kiên trì.
Trong thời gian này, "để lấy ngắn nuôi dài" anh Nhị dành một phần vốn chăn nuôi lợn, gà và trồng cây cảnh. Bước sang năm thứ 2, rắn đã phát triển và có thể xuất bán cho các nhà hàng, anh Nhị thu về 50 triệu đồng. Thấy nuôi rắn đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Nhị mạnh dạn đầu tư thêm gần 100 triệu đồng tiền mua giống phát triển mô hình. Đến nay, trong chuồng của gia đình anh luôn duy trì từ 250-300 con rắn. Anh Nhị phấn khởi cho biết: Chỉ tính riêng bán trứng hiện gia đình tôi có thể thu về 100 triệu đồng, còn việc bán rắn thương phẩm phải chờ vào dịp Tết mới được giá.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội nông dân thị xã cho biết: Những mô hình trang trại như của anh Nhị đang phát triển khá rộng trên địa bàn. Điều đáng ghi nhận là ở những mô hình này sự chủ động, tự lực của các hội viên được phát huy tối đa đang dần thay thế cho tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, chúng tôi cũng luôn đồng hành cùng hội viên nông dân thông qua nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực.
Để tạo động lực giúp hội viên phát triển sản xuất, ngay từ đầu năm, các cấp Hội Nông dân trong thị xã đã phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tập trung vận động phong trào nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, tiếp tục nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao, mở các lớp tập huẩn chuyển giao KHKT phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, con nuôi, kỹ thuật làm đệm lót sinh học… cho hàng nghìn lượt hội viên nông dân tham gia.
Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã phối kết hợp với các ngành tổ chức được gần 40 buổi chuyển giao KHKT cho hơn 2.000 lượt cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tạo điều kiện giúp nông dân có cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình Thanh long ruột đỏ, dưa bao tử, gà an toàn sinh học...
Đặc biệt, trong năm nay, Hội Nông dân thị xã phấn đấu giảm 10 hộ hội viên nghèo, do đó ngay từ đầu năm các cơ sở hội xã, phường đã khảo sát, phân loại cụ thể hộ hội viên nông dân nghèo và có kế hoạch phân công giúp đỡ cụ thể như hỗ trợ giống cây trồng, con nuôi, vật tư phân bón, chuyển giao KHKT, hỗ trợ vốn, thường xuyên động viên, theo dõi, kiểm tra những hộ nghèo khó khăn giúp họ vươn lên thoát nghèo. Với phương châm tuyên truyền vận động đi đôi với hỗ trợ các cấp Hội đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông thị xã hỗ trợ 3.600 con gà giống cho hội viên nông dân phường Tân Bình, Yên Sơn, Yên Bình, Đông Sơn.
Để thực hiện tốt công tác cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, các cấp Hội Nông dân thị xã đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách-Xã hội triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Các tổ tiết kiệm vay vốn do Hội Nông dân quản lý cơ bản thực hiện tốt các chương trình ủy thác như: huy động tiền gửi tiết kiệm, họp bình xét khi có vốn vay, thu tiền lãi suất và đôn đốc trả tiền gốc khi đến hạn.
Đến nay Hội Nông dân quản lý 69 tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng số dư nợ hàng tỷ đồng cho 2.576 hộ vay. Ngoài ra, Hội tích cực tranh thủ mọi nguồn vốn hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, Quỹ Hỗ trợ nông dân nguồn của tỉnh 60 triệu đồng cho 3 hộ vay thuộc Hội Nông dân xã Đông Sơn, Quỹ Hỗ trợ nông dân nguồn của Trung ương 600 triệu đồng cho 20 hộ hội viên nông dân xã Yên Bình, phường Tây Sơn vay phát triển sản xuất…
Tin tưởng với sự năng động, sáng tạo của hội viên, sự hỗ trợ kịp thời của các cấp hội, tỷ lệ hộ nông dân nghèo trên địa bàn thị xã Tam Điệp sẽ tiếp tục giảm, đồng thời xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Đào Duy