Để giúp hội viên giảm nghèo, nâng cao vai trò của tổ chức Hội trong xã hội, Hội Nông dân thành phố xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền và huy động nguồn vốn giúp hội viên phát triển kinh tế. Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi nhằm tìm hướng đi đúng cho mỗi vùng đất.
Hàng năm, các cấp Hội đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các buổi chuyển giao công nghệ cho hội viên về kỹ thuật nuôi bò sinh sản và nuôi bò thịt; phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè; xây dựng mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; kỹ thuật phòng, chống bệnh cho cá và cung cấp thức ăn theo công nghệ sạch... Hoạt động này đã góp phần nâng cao kỹ thuật và xóa bỏ nhiều tập tục, quan niệm lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp của nông dân.
Cùng với đó, Hội Nông dân các xã, phường còn đứng ra tín chấp mua phân bón chậm trả, thức ăn chăn nuôi giúp hội viên phát triển sản xuất. Đặc biệt, Hội còn tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, ngành chức năng tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với thị trường nhanh, hiệu quả. Để hội viên có vốn phát triển sản xuất, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thành phố chỉ đạo 69/69 tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát và thẩm định các nhu cầu vay vốn, trên cơ sở đó đứng ra tín chấp cho hội viên.
Đến nay, tổng dư nợ do Hội Nông dân ủy thác quản lý là trên 50 tỷ đồng, tăng gần 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và đã có 1.780 lượt hộ nông dân được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, Hội còn tích cực tuyên truyền, vận động và huy động các nguồn lực xây dựng Quỹ "Hỗ trợ nông dân" và Quỹ Hội để giúp hội viên có thêm nguồn vốn vay cũng như kịp thời hỗ trợ hội viên khi ốm đau, hoạn nạn, gặp rủi ro. Hiện 100% cơ sở và chi hội đều có quỹ Hội (chi hội có quỹ cao nhất đạt 750.000 đồng/hội viên, chi hội có quỹ thấp nhất 80 nghìn đồng/hội viên). Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 56 hộ hội viên nông dân được vay vốn từ nguồn Quỹ hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân với dư nợ trên 1,4 tỷ đồng.
Thực hiện phong trào "Nông dân xây dựng nông thôn mới", các cấp Hội nông dân thành phố đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp tích cực vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá. Hiện nay, thành phố đã chuyển đổi 413,5 ha diện tích cấy lúa mùa sang nuôi cá kết hợp trồng lúa tái sinh (trong đó: phường Yên Bình 16,58 ha, xã Yên Sơn 230 ha, phường Tân Bình 167 ha). Mô hình này đã đem lại thu nhập cao, hiệu quả hơn so với mô hình cấy lúa, đây là hướng đi cho người nông dân tại những vùng trũng, sản xuất lúa không ăn chắc.
Tham gia xây dựng nông thôn mới, cán bộ, hội viên nông dân thành phố Tam Điệp còn là một trong những lực lượng đi đầu đóng góp ngày công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Nông dân thành phố cũng tích cực thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện nghiêm các quy ước, hương ước, xây dựng chi hội nông dân không có người sinh con thứ ba; tích cực phòng chống tai, tệ nạn xã hội và duy trì hoạt động các tổ an ninh tự quản.
Đặc biệt, nông dân thành phố còn tích cực tham gia cuộc vận động "Nông dân thành phố Tam Điệp nói không với thực phẩm bẩn giai đoạn 2016 - 2020". Đến nay, 117/121 chi hội đã tổ chức ký cam kết nói không với thực phẩm bẩn cho hội viên và đã có 1.072 hộ sản xuất, kinh doanh chế biến sản phẩm ký cam kết với các nội dung: Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu dùng thực phẩm bẩn..., qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Điều làm nên sức hút từ các phong trào thi đua của các cấp Hội Nông dân thành phố Tam Điệp, đó chính là các phong trào được tổ chức với mục tiêu rõ ràng, chương trình hành động cụ thể và có sự chỉ đạo sát sao, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.
Qua các phong trào thi đua, tập quán sản xuất cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao đã trở thành nếp nghĩ, cách làm của đa số hộ nông dân. Sản xuất nông nghiệp liên tục được mùa, đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguyên liệu để chế biến nông sản xuất khẩu. Mô hình kinh tế trang trại, gia trại ngày càng phát triển đa dạng, tăng mạnh về số lượng, nâng cao về chất lượng.
Mai Lan