Cuối năm 2017, gia đình chị Đinh Thị Xá, chi hội trưởng nông dân thôn Đông Thành, xã Đồng Phong (Nho Quan) được Hội Nông dân huyện Nho Quan chọn xây dựng mô hình nuôi gà theo hướng an toàn. Theo đó, gia đình chị được Hội Nông dân huyện hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà theo mô hình đệm lót sinh học, trên diện tích 2ha với trên 4 nghìn con gà Đông Tảo lai. Được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, lại được hỗ trợ 1 phần chi phí, gia đình chị Xá đã thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi, từ lấy giống, chăm sóc, đến phòng chống dịch bệnh…, từ đó mô hình cho giá trị kinh tế cao, mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng. Được biết, đệm lót sinh học thực chất là hỗn hợp men vi sinh balasa và trấu, bột ngô, mùn cưa được rải trong chuồng với độ dày khoảng 10-20 cm, sau mỗi lứa gà xuất chuồng phải thay đệm lót một lần. Gà được nuôi theo phương pháp này ít xảy ra dịch bệnh, tiết kiệm nhân công, bảo vệ được môi trường do tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tạo nguồn phân bón hữu cơ an toàn phục vụ cho sản xuất các loại cây trồng khác…
Ông Hoàng Gia Tự, Chủ tịch Hội nông dân xã Văn Phong cho biết: Được sự chỉ đạo và phối hợp của Hội Nông dân huyện, xã Văn Phong cũng đã ký kết và xây dựng một số mô hình sản xuất nông sản an toàn. Tiêu biểu trong đó là mô hình trồng cà chua trái vụ của nhóm hộ gia đình ông Bùi Văn Cương, thôn Ngải. Với sự trợ giúp về kỹ thuật và giống cây của Hội Nông dân huyện và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi sào cà chua cho thu hoạch từ 1-1,2 tấn quả, được sản xuất theo quy trình sạch, an toàn nên giá bán thu mua tại ruộng từ 10-12 nghìn đồng/kg, cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các cây rau màu khác như dưa chuột, khoai sọ, bí xanh… Hiện Hội Nông dân xã tiếp tục khuyến khích các hộ nông dân nhân rộng mô hình và liên kết để bao tiêu sản phẩm.
Theo bà Hoàng Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nho Quan, để các hội viên, nông dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, ngay khi có Đề án của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Tích cực phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao KHKT, trong năm 2017 đã tổ chức 45 buổi chuyển giao KHKT cho trên 4,3 nghìn lượt hội viên nông dân; trong đó chú trọng phổ biến kiến thức, quy trình sử dụng phân bón, biện pháp phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả trong sản xuất rau an toàn, kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học trong chăn nuôi.... Đồng thời triển khai và tổ chức ký cam kết giữa các cơ sở hội và 27 hội viên đại diện nông dân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện "Nói không với thực phẩm bẩn".
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn", các cơ sở Hội Nông dân trên địa bàn huyện Nho Quan đã xây dựng và đưa vào thực hiện trên 20 mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn. Tiêu biểu trong đó là HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản Văn Phong, trên diện tích 14.000m2 chuyên sản xuất măng tây và các loại rau theo quy trình sản xuất an toàn, có sổ nhật ký theo dõi; mô hình sản xuất nấm ở xã Gia Tường; mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học ở xã Đồng Phong; tổ hợp tác nuôi dê núi xã Xích Thổ; mô hình trồng cà chua và rau trái vụ ở nhiều địa phương… Khi tham gia mô hình, các hộ nông dân, hợp tác xã sẽ được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm, cấp giấy chứng nhận đủ điều điện sản xuất an toàn, sản phẩm an toàn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…, từ đó giúp hội viên yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định đầu ra của sản phẩm. Hầu hết các mô hình được đánh giá phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được hội viên nông dân phấn khởi, tích cực ủng hộ và nhân rộng.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nho Quan Hoàng Thị Thúy Ngân, thành công bước đầu của các mô hình "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn" trên địa bàn huyện đã làm chuyển biến nhận thức của hội viên nông dân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của các cấp Hội nông dân trong việc triển khai thực hiện, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, giúp người nông dân tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Để duy trì, nâng cao và nhân rộng các mô hình thực phẩm an toàn trên địa bàn, thời gian tới, Hội Nông dân Nho Quan tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn; tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; tích cực tham gia các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình sản xuất an toàn thực phẩm… hướng hội viên nông dân tự giác, nhiệt tình, hưởng ứng tham gia các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng nông sản hàng hóa trên địa bàn.
Thùy Phương