Là một trong những hộ dân tham gia mô hình trồng cà chua trái vụ trên diện tích 5 sào đất màu, ông Bùi Văn Cương, thôn Ngải, xã Văn Phong rất vui mừng khi giá trị thu hoạch đạt được khá cao. Được Hội Nông dân huyện tuyên truyền, vận động thực hiện mô hình bằng việc hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật, ông Cương rất nhiệt tình tham gia các buổi tập huấn, thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nghiên cứu khoa học nông - vận (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) theo hình thức "cầm tay chỉ việc". Kết quả, mỗi sào cà chua cho thu hoạch từ 1-1,2 tấn quả, là nông sản được sản xuất theo quy trình sạch, an toàn nên giá bán thu mua tại ruộng là 10-12 nghìn đồng/kg, ước tính cây cà chua trái vụ cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các cây rau màu khác như dưa chuột, khoai sọ, bí xanh…
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Cây cà chua trái vụ là 1 trong số hàng chục loại cây trồng mới được Hội Nông dân huyện xây dựng mô hình thử nghiệm trong những năm qua, đánh giá bước đầu hầu hết cho hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng truyền thống, được nông dân hưởng ứng nhân rộng tại những địa bàn phù hợp. Cùng với đó, nhiều mô hình con nuôi mới, con nuôi đặc sản cũng được đưa vào thử nghiệm, nhân rộng nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng phát triển..
Năm 2017, toàn huyện có 80% hội viên nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các cơ sở Hội đã phối hợp với các ngành tổ chức 45 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 4,3 nghìn lượt hội viên nông dân tham dự. Cùng với đó, để tạo điều kiện hỗ trợ cho nông dân có thêm vốn sản xuất, Hội Nông dân huyện tiếp tục ký hợp đồng với Tổng đại lý Đức Trọng cung ứng 738 tấn phân bón chậm trả cho hội viên nông dân ở 16 xã. Nhiều Hội Nông dân các xã cũng thực hiện ký hợp đồng với các công ty kinh doanh giống cây trồng, phân bón các loại để được trả chậm; phối hợp tổ chức các buổi dạy nghề trồng nấm, sử dụng men sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng các mô hình trồng rau an toàn, nuôi cá nước ngọt, vịt trời… với hàng chục mô hình được xây dựng, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, khẳng định sự đúng hướng, phù hợp với thực tế sản xuất.
Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ thành lập HTX sản xuất tiêu thụ nông sản sạch Văn Phong, xã Văn Phong; HTX Thiên Sơn Phú, xã Quỳnh Lưu, đồng thời tiếp tục chỉ đạo thành lập Tổ hợp tác. Năm 2017, toàn huyện đã thành lập 7 tổ hợp tác, trong đó có 4 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, 1 tổ hợp tác chăn nuôi lợn và 2 tổ hợp tác gia trại. Đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 154 của Hội Nông dân tỉnh về triển khai thực hiện Đề án xây dựng Chi hội nghề nghiệp, Tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai tới các cơ sở hội trong toàn huyện, đồng thời đã chọn Hội Nông dân xã Gia Tường làm điểm về thành lập Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp, trong đó đã thành lập được 2 Tổ hội nghề nghiệp (Tổ hội nghề nghiệp chuyên nuôi trồng thủy sản tại thôn Sơn Cao, xã Gia Tường gồm 9 thành viên, Tổ hội nghề nghiệp trồng rau an toàn phố Tiên Lạo, thị trấn Nho Quan gồm 8 thành viên).
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các cơ sở Hội tích cực vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội, nhất là ở 4 xã về đích nông thôn mới trong năm 2017. Theo đó tích cực tham gia phong trào làm đường giao thông, thủy lợi, xây dựng đường, trường, trạm ở từng cơ sở. Năm 2017, các cấp hội đã vận động hội viên nông dân đóng góp gần 1,8 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động gần 2,8 nghìn ngày công lao động, làm mới và sửa chữa được 23,4 km đường giao thông, nạo vét 14,6 km kênh mương phục vụ sản xuất, đào đắp được 11.150 m3, làm mới và sửa chữa 105 cầu cống các loại... Ngoài ra Hội nông dân các cơ sở còn tập trung tuyên truyền vận động hội viên nông dân đóng góp tiền, gạo, con giống, ngày công ủng hộ, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau hàng triệu đồng, 350 ngày công, 170 kg lương thực, giúp hội viên nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo. Kết quả đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn huyện còn 5,15%, giảm 1,67% so năm 2016; các cấp hội cũng đã trực tiếp giúp đỡ cho 35 hộ hội viên nông dân thoát nghèo. Số hộ nông dân khá, giàu hàng năm không ngừng tăng, hiện chiếm khoảng 43%; số hộ nông dân nghèo, cận nghèo giảm bền vững. Trong tổng số hộ nghèo và cận nghèo của huyện, số hộ hội viên nông dân nghèo chỉ chiếm 1,5 %, cận nghèo chiếm 1,8 %.
Để tiếp tục thu hút hội viên vào hội và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cấp Hội nông dân huyện Nho Quan tiếp tục tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể đề ra các giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để nông dân tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất lớn, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay. Đồng thời định hướng rõ vùng sản xuất chuyên canh, tập trung vào một số loại cây trồng, con nuôi có tính chất hàng hóa; tiếp tục trợ giá phân bón, một số giống cây trồng và tìm đầu ra sản phẩm nông nghiệp cho nông dân; quan tâm đến công tác quản lý vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu để người nông dân tránh được phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng... Tiếp tục phát động mạnh cả bề rộng và chiều sâu các phong trào thi đua; quan tâm xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hạnh Chi