Các hộ này chủ yếu phát triển mô hình nuôi thủy sản, trang trại chăn nuôi tổng hợp, làm hàng thủ công mỹ nghệ, trồng lúa chất lượng cao, một số hộ phát triển kinh doanh dịch vụ… Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ từ các hoạt động hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân trong huyện như dạy nghề, chuyển giao KHKT, cho vay vốn ưu đãi…
Chúng tôi được Hội Nông dân huyện giới thiệu đến thăm gia đình hội viên Nguyễn Văn Lạc, ở xóm 1, xã Đồng Hướng, một trong những điển hình phát triển mô hình kinh tế tổng hợp gồm nuôi lợn, gà, thả cá… Anh Lạc bắt đầu triển khai mô hình này từ năm 2003 với hai khó khăn cơ bản là thiếu vốn và thiếu kỹ thuật. Đây cũng là khó khăn chung của rất nhiều hộ nông dân địa phương trong những năm trước. Trong điều kiện đó, anh Lạc xác định không thể giải quyết khó khăn trong một sớm một chiều. Để huy động được vốn, ngoài số tiền tích lũy của gia đình, anh mạnh dạn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua tổ vay vốn của Hội Nông dân và vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân địa phương. Số tiền vay được chưa quá 10 triệu đồng, song đã giúp gia đình anh có điều kiện mua con giống và sửa sang chuồng trại. Ban đầu quy mô chỉ nhỏ lẻ với vài con lợn, con gà.
Đến nay đàn lợn đã tăng lên 50-60 con, đàn gà có hàng trăm con gồm gà giống, gà chọi, thêm vào đó anh Lạc còn đầu tư hơn 500 m2 ao thả cá. Anh Lạc cho biết để có thể mở rộng quy mô chuồng trại, ngoài việc được vay vốn ưu đãi anh và rất nhiều nông dân trong xã đã được trang bị các kiến thức khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt. Các lớp chuyển giao KHKT này cũng do Hội Nông dân phối hợp tổ chức.
Tuy nhiên theo anh Lạc, hiện nay tốc độ phát triển các loại hình chăn nuôi ở địa phương rất nhanh, song các dịch vụ thú y vẫn chưa theo kịp, thay vì chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, anh nghĩ người nông dân cũng cần chủ động tìm tòi, mở rộng các loại hình dịch vụ này. Từ suy nghĩ đó, anh Lạc đã theo học lớp Trung cấp thú y và mở dịch vụ thú y như tiêm phòng, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con… Vì vậy qua nhiều năm phát triển chăn nuôi, gia đình anh cũng như nhiều hộ nông dân ở địa phương đều phòng, chống tốt các đợt dịch bệnh cho vật nuôi. Hiện nay mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Lạc đạt giá trị thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Hướng làm ăn như của gia đình anh Lạc đang được Hội Nông dân huyện Kim Sơn khuyến khích nhân rộng tới các hội viên trên địa bàn. Trong đó, với vai trò, chức năng của mình, Hội chủ động phối hợp kiếm các hình thức hỗ trợ hội viên về kỹ thuật và vốn đầu tư sản xuất. Huyện hội và hội cơ sở đã tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, chuyển giao KHKT cho hội viên, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Năm 2012, các cấp Hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp, các công ty, HTX tổ chức 205 buổi chuyển giao KHKT, nâng cao kiến thức cho hơn 27 nghìn lượt hội viên nông dân về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp… Đồng thời phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề giúp 2.105 lượt hội viên nông dân có kiến thức về sản xuất hàng chiếu cói, đan bèo bồng xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ.
Đặc biệt, đối với việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, Hội đứng ra tín chấp gần 1.000 tấn phân bón các loại, trong đó có hơn 800 tấn NPK Ninh Bình trả chậm giúp nông dân yên tâm đầu tư thâm canh trong điều kiện thị trường có nhiều biến động về giá cả. Để giải quyết nhu cầu vay vốn cho hội viên, Huyện hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp gần 65 tỷ đồng cho hơn 4 nghìn lượt hội viên vay, đồng thời tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn vốn, đôn đốc thu nợ đúng hạn. Tổ chức thẩm định và giải ngân dự án Quỹ hỗ trợ nông dân do Trung ương Hội ủy thác ở xã Đồng Hướng và Kim Tân, mỗi đơn vị 300 triệu đồng và nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân huyện ở xã Thượng Kiệm 71 triệu đồng.
Các hoạt động hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Kim Sơn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo hội viên và đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong thực tiễn sản xuất.
Đào Duy