Ông Nguyễn Văn Đậu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Khánh cho biết: Để thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay, Ban Thường vụ Hội luôn bám sát nội dung ủy thác, Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, các văn bản chỉ đạo của NHCSXH các cấp, chỉ đạo các cấp hội cơ sở, các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trực thuộc Hội quản lý thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Chính phủ về cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Hội cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hội viên và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức như lồng ghép với các hội nghị và các buổi sinh hoạt của các Chi hội... Bên cạnh đó, cấp Hội thường xuyên phối hợp với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn cụ thể về các văn bản hướng dẫn của NHCSXH, các thể lệ, chế độ nghiệp vụ cho cán bộ hội và Tổ trưởng Tổ TK&VV. Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cấp hội nông dân xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn việc thành lập và củng cố các Tổ TK&VV theo địa bàn thôn, xóm, tổ dân phố. Hội đã thành lập 114 Tổ TK&VV với đội ngũ Tổ trưởng nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc được giao. Công tác bình xét các đối tượng được vay vốn ưu đãi của các Chi hội, Tổ TK&VV được triển khai công bằng, dân chủ.
Đến nay, Hội Nông dân huyện Yên Khánh đã thực hiện ủy thác cho vay 6 chương trình tín dụng ưu đãi, gồm: Cho vay hộ nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay xuất khẩu lao động; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Tổng dư nợ nhận ủy thác các chương trình đạt trên 76 tỷ đồng với trên 3.700 hộ vay vốn. Chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,66% so với tổng dư nợ cấp hội nhận ủy thác.
Để quản lý và giúp hội viên sử dụng đồng vốn ưu đãi có hiệu quả, Hội Nông dân huyện đã lồng ghép tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và định hướng giúp hội viên chọn cho mình những mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Hàng năm, Hội đã phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện và các cơ quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay để phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm, xử lý kiên quyết các trường hợp nợ chây ỳ, nợ quá hạn ảnh hưởng đến uy tín của cấp hội. Các hội viên đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày một nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn thấp. Nhờ đó, sau 10 năm triển khai thực hiện ủy thác cho vay, Hội Nông dân huyện Yên Khánh đã giúp trên 3.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm mới cho gần 9.000 lao động, trên 3.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, không phải bỏ học giữa chừng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đậu, việc thực hiện ủy thác tín dụng từng phần cho các tổ chức chính trị xã hội là một chủ chương đúng, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo điều kiện gắn kết chương trình tín dụng ưu đãi với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... Để công tác ủy thác cho vay đạt được những kết quả tốt hơn trong những năm tới, Hội Nông dân huyện Yên Khánh mong muốn được các cấp có thẩm quyền, NHCSXH có chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi cho các mô hình kinh tế trang trại, gia trại hiện đang thiếu một nguồn vốn lớn để duy trì và đẩy mạnh phát triển sản xuất. Qua đó tạo việc làm, giúp các hội viên nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Giáng Hương