Các cấp Hội Nông dân huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân, các chủ trang trại, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn. Bằng nhiều hình thức như: tổ chức các lớp tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý an toàn thực phẩm, quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách trong trồng trọt, điều kiện chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn; thông qua hệ thống đài truyền thanh 3 cấp; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi hội...Thời gian qua, Hội nông dân huyện đã tổ chức 217 buổi tuyên truyền về an toàn thực phẩm, thu hút trên 33.700 lượt hội viên tham dự; vận động 16.881 hộ hội viên trên địa bàn ký cam kết "nói không với thực phẩm bẩn".
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh xây dựng các mô hình "nông dân nói không với thực phẩm bẩn", đồng thời chỉ đạo 19 cơ sở Hội và trực tiếp xây dựng các mô hình "nông dân nói không với thực phẩm bẩn" các cấp. Đến nay, toàn huyện đã vận động, hướng dẫn xây dựng được 56 mô hình "nông dân nói không với thực phẩm bẩn" trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm; trong đó có 3 mô hình được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là: mô hình sản xuất bún, miến an toàn của hộ ông Đinh Văn Hoàn, ở chi hội Phố 2; mô hình sản xuất miến dong của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Trưởng, Thị trấn Yên Ninh; mô hình sản xuất nấm và cây dược liệu của hộ ông Phạm Văn Chuyền (Khánh Công).
Để vận động nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh những thực phẩm đảm bảo an toàn, các cấp Hội còn triển khai nhiều giải pháp nhằm tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT. Các cấp Hội đã chủ động ký kết các chương trình phối hợp với các phòng, ban, ngành, các doanh nghiệp để chuyển giao KHKT, tập huấn các kiến thức về mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, tư vấn thông tin thị trường và quảng bá sản phẩm cho nông dân.
Trong nhiệm kỳ (2013-2018), Hội đã phối hợp tổ chức 1.750 buổi chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản và các kiến thức sản xuất thực phẩm an toàn cho trên 183.140 lượt cán bộ, hội viên; phối hợp với các công ty, tổng đại lý cung ứng trên 2.000 tấn phân bón trả chậm cho hội viên ở 12/19 đơn vị, góp phần hạn chế tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, đảm bảo phục vụ sản xuất kịp thời cho hội viên, nông dân. Các cấp Hội còn tích cực hỗ trợ, vận động nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức quản lý sản xuất, kỹ thuật sản xuất, cung cấp thông tin về tiêu thụ nông sản thông qua các website, cổng thông tin điện tử. Hội phối hợp với Ban Kinh tế - xã hội (Hội Nông dân tỉnh) xây dựng 3 mô hình điểm về sử dụng đệm lót sinh học tại xã Khánh Lợi, Khánh Cường, Khánh Hội; Xây dựng thương hiệu nông sản sạch của xã Khánh Thành, đưa sản phẩm vào bán tại các cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, các sản phẩm nông sản an toàn do nông dân xã Khánh Thành sản xuất hiện đang được thị trường tin dùng...
Khải Hoàn