Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Văn Tưởng, Chủ tịch UBND xã Hồi Ninh cho biết: Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hồi Ninh gặp nhiều khó khăn, như: số km đường giao thông nông thôn nhiều và nhỏ hẹp, xuống cấp, đa phần lại gắn với các tuyến kênh, ngòi nên chi phí làm đường thường cao hơn những địa phương có ít sông, ngòi, kênh rạch. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích đất sản xuất của các gia đình lại manh mún; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu; trình độ dân trí không đồng đều, vẫn còn một bộ phận cán bộ và người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước...
Trước những khó khăn trên, Đảng ủy, UBND xã Hồi Ninh đã họp bàn, phân tích nguyên nhân, đặt ra mục tiêu, kế hoạch theo lộ trình và giải pháp xây dựng nông thôn mới, đảm bảo rõ người, rõ việc. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, đó là phải khắc phục cho được tư tưởng trì trệ, chậm đổi mới trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân.
Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể phải xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị cho đến từng người dân; phát huy nội lực là chính, tôn trọng ý kiến của nhân dân, từ đó khơi dậy quyền và trách nhiệm chủ thể của người dân cùng với Đảng, chính quyền chung tay xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong triển khai xây dựng nông thôn mới, Hồi Ninh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu đi đầu trong các phong trào; biết lắng nghe, kịp thời tham mưu giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chính đáng của nhân dân để những khó khăn vướng mắc được tháo gỡ ngay từ cơ sở.
Về Hồi Ninh, chúng tôi được nghe những câu chuyện về sự hài lòng trước sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tiếp thu, giải quyết những kiến nghị, nhất là những ý kiến liên quan đến lợi ích "sát sườn" của người dân như: việc dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, kiên cố hóa kênh mương…
Đồng chí Phạm Văn Toàn, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm 1 cho biết: Trước đây, ở giữa cánh đồng của xóm có những gò đất cao, dài, rộng, gây khó khăn trong canh tác, nên bà con đã đề xuất nguyện vọng di dời các khu gò đất đó đi. Ý kiến này được đề xuất lên Đảng ủy, UBND xã Hồi Ninh và được chấp thuận. Ban Chi ủy xóm 1 đã họp bàn, xây dựng phương án di dời gò đất và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Sau một thời gian ngắn, với sự hỗ trợ một phần kinh phí của xã, sự góp sức của nhân dân trong xóm, toàn bộ gò đất rộng gần 1 mẫu đã được giải phóng với khoảng 7.000 m3 đất. Bà con đã tận dụng khối lượng đất đó để san lấp, cải tạo những chỗ ruộng trũng vốn hoang hóa, không cấy được.
Sau thành công này, nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng, chung sức hiến công, hiến kế, hiến đất để quy hoạch lại bờ vùng, bờ thửa. Từ đây, các con mương cũng được bê tông hóa để ngăn bờ, giữ nước; trên nhiều tuyến giao thông nội đồng cũng được rải đá cấp phối, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Và sau nhiều năm không thể thực hiện dồn điền đổi thửa do tâm lý ngại ruộng xa, ruộng tốt thì giờ đây nhân dân đã tin tưởng, ủng hộ và chấp thuận dồn đổi. Cuối năm 2020, xóm 1 đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, bình quân còn 1-2 mảnh/hộ, giảm 2-3 mảnh so với trước kia.
"Ruộng đồng bằng phẳng, lại chủ động được tưới tiêu, cấy chỗ nào ăn chắc chỗ đấy, không còn ruộng bỏ hoang, năng suất lúa cải thiện tăng cao rõ rệt, ai cũng phấn khởi. Những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân được tiếp thu và giải quyết thỏa đáng đã tạo niềm tin trong nhân dân. Chính vì vậy mà phong trào xây dựng nông thôn mới của xóm 1 có nhiều bước phát triển. Nhân dân đã tích cực tham gia làm đường nông thôn; tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương; tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, thôn xóm văn hóa…, góp phần làm cho cảnh quan nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp"- đồng chí Bí thư chi bộ xóm 1 cho biết thêm.
Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của dân trong xây dựng nông thôn mới, Hồi Ninh đã khơi gợi sức dân, tạo hiệu ứng lan tỏa. Bước chuyển tích cực phải kể đến là sự thay đổi lớn về mặt tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ nông dân đã tích cực ứng dụng khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi. Các HTX Nông nghiệp đã tích cực hướng dẫn nông dân tập trung sản xuất các giống lúa đặc sản như giống lúa nếp cau, tám nếp…, nhằm nâng cao giá trị thương phẩm. Ngoài sản xuất lúa chất lượng cao, hiện nông dân xã còn khá thành công với mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng đào cảnh kết hợp nuôi trồng thủy sản, với 7 ha.
Hiện toàn xã có 21 ha diện tích đất trồng đào cảnh cho thu nhập cao. Theo ước tính tổng thu nhập sau sau khi trừ chi phí các loại là 50-60 triệu/ha/năm, cao gấp 4-5 lần trồng lúa. Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhân dân Hồi Ninh còn tích cực phát triển một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được coi là thế mạnh của địa phương như xây dựng, nghề mộc, sản xuất hàng cói, bèo bồng…. Toàn xã hiện có khoảng 850 lao động tham gia nghề phụ với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng/người.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Hồi Ninh Vũ Văn Tưởng cho biết thêm: 3 tiêu chí xây dựng nông thôn mới xã chưa hoàn thành, đó là: giao thông; trường học và tiêu chí số 15 về y tế. Với quyết tâm cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2021, Đảng bộ, chính quyền xã đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành tốt các tiêu chí nói trên. Xã đang tích cực đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường: Đường Đồng Nhân, đường ngoại đê Dưỡng Điềm, đường trục sông Hồi Thuần; tiếp tục hoàn thành nâng cấp nhà học 2 tầng 12 phòng và các hạng mục phụ trợ của Trường THCS Hồi Ninh; hoàn thiện và xây dựng các hạng mục phụ trợ Trạm Y tế xã.
Nhìn chung đây đều là những tiêu chí khó, cần nguồn lực lớn, trong khi đó Hồi Ninh lại là xã đặc thù, xa trung tâm huyện; trên địa bàn xã lại không có doanh nghiệp lớn; nguồn thu ngân sách của địa phương còn ít, nhiều năm qua xã chưa thực hiện được việc đấu giá giá trị quyền sử dụng đất nên nguồn ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản không có. Vì vậy, để hoàn thiện các tiêu chí trên, địa phương vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên. Đây là nguồn lực quan trọng động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân trong xã tiếp tục phấn đấu để chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Mai Lan