Cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của Thành hội Người mù hiện duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho 30 hội viên, trong đó có 16 nam và 14 nữ. Chị Nguyễn Thị Yến, nhân viên cơ sở xoa bóp, bấm huyệt thành phố Ninh Bình chia sẻ, chị không may hỏng mắt từ khi tuổi còn trẻ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chị được tổ chức Hội tạo điều kiện cho học nghề, rồi giới thiệu làm việc tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của thành phố gần 10 năm nay. Thu nhập mỗi tháng từ 2,5-3 triệu đồng, không chỉ giúp chị trang trải cuộc sống, còn một phần phụ giúp chăm sóc bố mẹ già năm nay đã hơn 80 tuổi.
Cũng như chị Yến, anh Trương Thế Thông cũng có trên dưới 10 năm gắn bó với cơ sở xoa bóp, bấm huyệt này. Anh Thông cho biết, với những người khiếm thị, tìm được một việc làm đã khó, có việc làm phù hợp và thu nhập ổn định duy trì cuộc sống là niềm hạnh phúc. Công việc của anh Thông không quá vất vả, thường làm vào các buổi trưa và tối, bất cứ khi nào khách hàng yêu cầu. Ngoài ra, có những khách hàng quen, còn mời anh đến xoa bóp, bấm huyệt và giác hơi tại gia đình. Với thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/tháng, anh Thông cho biết, với người bình thường, thu nhập đó là thấp, nhưng với những người tàn tật như các anh, như thế có thể tự lo cho cuộc sống của mình, không phải phụ thuộc vào người khác.
Ông Nguyễn Khắc Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Ninh Bình cho biết: Cơ sở xoa bóp bấm huyệt của Thành hội Ninh Bình đi vào hoạt động từ năm 2003, đến nay duy trì được 15 năm, ban đầu chỉ có 3 thành viên, nay tăng lên 30 người. Cơ sở hoạt động với phương châm lấy chất lượng phục vụ và sự hài lòng của khách hàng làm tiêu chí, do đó các nhân viên thường xuyên được kiểm tra tay nghề, làm việc với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, thái độ hòa nhã, vui vẻ. Doanh thu hàng năm của cơ sở đạt từ 1,1-1,2 tỷ đồng, đảm bảo mức lương bình quân cho nhân viên trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng.
Tổ chức Hội luôn đặt công tác phát triển lao động, tạo việc làm là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, bởi chỉ có lao động mới giúp người mù được rèn luyện về thể lực, trí tuệ, vượt qua mặc cảm vươn lên hòa nhập bình đẳng trong gia đình và xã hội. Hàng năm, Thành hội tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, giới thiệu các lớp dạy chữ Braille, dạy các nghề xoa bóp, bấm huyệt, tin học văn phòng... Riêng năm 2018, Thành hội đã cử 4 học viên đi học các lớp đào tạo do Trung ương Hội và Tỉnh hội tổ chức. Trong chương trình vay vốn, Thành hội khảo sát cụ thể nhu cầu của từng trường hợp để phối hợp với các tổ chức, ngân hàng cho vay, đảm bảo đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả. Toàn Hội hiện có 13 hội viên được vay vốn, với số tiền 164 triệu đồng, đầu tư chăn nuôi, làm nghề tăm tre, chổi đót hoặc cùng gia đình buôn bán, kinh doanh. Năm 2018 đã tiêu thụ 3 vạn gói tăm nhân đạo và 1,5 vạn gói tăm trên thị trường. Tỷ lệ hộ nghèo của Hội thành phố còn 3%.
Công tác chăm sóc đời sống hội viên được tổ chức Hội thành phố quan tâm bằng việc hàng năm khảo sát nắm tình hình đời sống hội viên người mù trên địa bàn thành phố, đề xuất với các tổ chức, nhà từ thiện quan tâm đến những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2018, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kinh phí xây nhà đại đoàn kết cho gia đình chị Nguyễn Thị Yến, Chi hội trưởng Chi hội người mù xã Ninh Nhất. Vào các dịp lễ, Tết, người mù, trẻ em mù được Hội thăm hỏi, tặng quà. Năm qua đã tặng gần 300 suất quà, trị giá gần 90 triệu đồng cho các đối tượng người mù. Trong năm, không có gia đình người mù nào vi phạm pháp luật; những người trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ 3. 100% gia đình người mù sử dụng nước sạch, được thụ hưởng những công trình công cộng xã hội. Con của người mù được miễn giảm học phí khi đi học.
Với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong các phong trào, công tác Hội, đặc biệt là việc chăm sóc, quan tâm đến đời sống hội viên, Hội Người mù thành phố Ninh Bình được đánh giá là tổ chức Hội hoạt động hiệu quả, dẫn đầu khối cấp huyện, thành phố trong tỉnh. Năm 2015, Thành hội được Trung ương Hội tặng 5 Bằng khen cho 3 tập thể, 2 cá nhân và 4 Kỷ niệm chương. Nhiều năm liền được Tỉnh hội tặng giấy khen. Năm 2018, Thành hội được UBND tỉnh tặng 2 Bằng khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân...
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những người mù được hưởng các chế độ của người tàn tật, có điều kiện học tập, lao động, vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, Hội mong muốn được hỗ trợ kinh phí để các chi hội phường, xã hoạt động; đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh công tác chăm lo, nâng cao đời sống, dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm ổn định và môi trường thuận lợi để người mù chủ động nỗ lực vượt khó vươn lên, hòa nhập và phát triển cùng xã hội.
Mai Phương