Hiện nay, Hội người mù huyện Nho Quan có 225 hội viên, trong đó, số hội viên là lao động chính trong gia đình chiếm tỷ lệ cao. Ông Đặng Quang Sướng, Chủ tịch Hội Người mù huyện chia sẻ: Cũng là người khiếm thị nên tôi phần nào hiểu được mong muốn của các hội viên, đó là có nghề trong tay để tự nuôi sống bản thân, góp phần chăm lo cho gia đình. Bởi vậy, trong những năm qua, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo đã được Hội Người mù huyện đặc biệt quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Mong muốn là vậy, song thực sự việc thoát nghèo đối với người bình thường vốn đã khó, đối với người mù thì lại càng chật vật hơn. Theo đó, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, Hội Người mù huyện đã rà soát, nắm rõ từng hoàn cảnh của hội viên, đồng thời căn cứ vào tình trạng sức khỏe, nguyện vọng của hội viên để định hướng chọn học những nghề phù hợp. Đối với những hội viên trẻ, có sức khỏe và nhận thức tốt, Hội định hướng cho học vi tính, dạy chữ, học xoa bóp bấm huyệt. Đối với những hội viên sức khỏe yếu, khó khăn trong đi lại thì được tham gia vào các lớp học nghề thủ công như chẻ tăm, chẻ tăm hương, khuyến nông, chăn nuôi, trồng trọt…
Nhờ làm tốt công tác định hướng nghề, sau khi học nghề, hầu hết các học viên đều duy trì nghề và từng bước cải thiện cuộc sống bằng nghề đã học. Nhiều trường hợp nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo đã xuất hiện, trở thành tấm gương tiêu biểu cho các hội viên noi theo. Điển hình như trường hợp chị Nguyễn Thị Loan ở xã Phú Long. Chị Loan bị mù từ khi lên 5 tuổi. Hơn 20 năm qua, chị Loan sống nhờ vào sự hỗ trợ của gia đình, bởi vậy bản thân chị luôn mặc cảm, tự ti. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau khi đứa con gái của chị chào đời. Làm gì để nuôi con, để trở thành chỗ dựa cho con luôn là câu hỏi khiến chị trăn trở. Chị Loan tâm sự: Người khiếm thị mặc dù mất hai đôi mắt, nhưng chúng tôi vẫn còn hai bàn tay. Tôi tin rằng, với sự giúp đỡ của Hội Người mù, của xã hội cùng với sự nỗ lực vượt khó của bản thân mỗi hội viên, chúng tôi vẫn có thể tạo ra của cải vật chất cho gia đình, xã hội, từng bước thoát nghèo. Với niềm tin đó, đồng thời, được sự động viên của gia đình, chị Loan mạnh dạn xin đăng ký học nghề xoa bóp bấm huyệt. Tiếp thu nhanh nên chỉ sau thời gian ngắn chị Loan đã là thợ lành nghề vào diện bậc nhất ở thị trấn Nho Quan. Mạnh dạn vay vốn từ người thân, chị Loan tự mở một tiệm xoa bóp bấm huyệt. Ban đầu còn thưa khách, mỗi tháng chị chỉ thu được 1,5-2,5 triệu đồng/tháng. Bây giờ, với tay nghề khá, chị có thể kiếm được 3-4 triệu đồng/tháng từ nghề xoa bóp bấm huyệt. Không những vậy, chị còn tạo việc làm cho 2 người khuyết tật khác với mức thu nhập ổn định.
Anh Nguyễn Văn Nam (Đồng Tâm, thị trấn Nho Quan) lại thoát nghèo theo cách khác. Là người khiếm thị, song anh may mắn lấy vợ mắt sáng. Tuy nhiên, lần lượt 3 đứa con chào đời khiến cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ thêm khó khăn. Sau nhiều ngày trăn trở, anh mạnh dạn đề nghị và được Hội Người mù huyện tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi. Mượn thêm vốn của gia đình, anh Nam mua cặp bò để chăn thả. Hàng ngày, vợ anh đi chăn bò, chị còn tranh thủ lấy rau về nuôi lợn, nuôi gà. Với những kiến thức đã được học ở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, anh Nam ở nhà phát triển chăn nuôi. Thấm thoắt, cặp bò ngày nào đã cho ra đời cặp bê con. Đàn gia súc, gia cầm nhà anh Nam ngày càng được nhân lên. Nguồn thu từ chăn nuôi giúp cuộc sống của gia đình anh được cải thiện nhiều.
Ông Đặng Quang Sướng, Chủ tịch Hội Người mù huyện phấn khởi nói: tấm gương thoát nghèo như chị Loan, anh Nam hay những cách làm sáng tạo trong xóa đói, giảm nghèo được Hội chọn là chủ đề chính cho những buổi sinh hoạt tập thể của các hội viên. Tại những buổi sinh hoạt này, các hội viên có cơ hội chia sẻ, học hỏi cách phát triển kinh tế, từ đó vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh của mình. Để giúp hội viên có cơ hội vươn lên, Hội đã tạo điều kiện cho hội viên nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, đã có hơn 100 hội viên được vay vốn với tổng số tiền trên 300 triệu đồng. Để bảo đảm tốt nguồn vốn vay, Hội thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thực trạng hội viên sử dụng nguồn vốn, điều tra hội viên có nhu cầu vay vốn và nắm bắt nguyện vọng của từng hội viên. Đồng thời, Hội cũng tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn hướng dẫn hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Được vay vốn, được học tập nâng cao kiến thức, các hội viên đã tích cực tham gia lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống của bản thân. Tỷ lệ hộ nghèo của Hội hiện còn 14%.
Nguyễn Hùng