Phiên họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 chủ trì.
Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo chung về kết quả thực hiện các chương trình MTQG năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm 2023; công tác quản lý, giao và giải ngân kế hoạch vốn thực hiện các chương trình MTQG; công tác hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG ở các địa phương và các giải pháp cụ thể.
Tham luận tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành Trung ương và các địa phương thống nhất đánh giá: Kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 rất đáng ghi nhận. Cả nước có 6.001/8.211 xã (73,08% xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 4,4% so với cuối năm 2021; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng làm rõ những kết quả đạt được trong phân bổ, giao kế hoạch vốn các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, năm 2022 và 2023; về giải ngân vốn ngân sách Nhà nước kế hoạch năm 2022, 2023 thực hiện các chương trình MTQG. Đồng thời phân tích, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 chương trình MTQG.
Đối với Ninh Bình, thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, tính đến hết ngày 31/12/2022, toàn tỉnh có 7/8 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2 huyện hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận huyện NTM nâng cao; 119/119 xã đạt chuẩn NTM; có 30/119 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có 14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 333 thôn, xóm, bản được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Trong năm 2022, tổng vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình MTQG trên bàn tỉnh là 312,01 tỷ đồng. Trong đó chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí 227,51 tỷ đồng. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được bố trí 36,063 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh; tính đến ngày 31/1/2023, đã giải ngân được 11,17 tỷ đồng, đạt 30,97% kế hoạch vốn. Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được bố trí 48,44 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của các chương trình MTQG trong việc đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương nói riêng và trên toàn quốc nói chung.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao và biểu dương các địa phương đã rất nỗ lực, trách nhiệm trong tổ chức triển khai các chương trình MTQG. Đồng thời yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc phân bổ vốn của năm 2023 đã được Trung ương giao; cân đối vốn đối ứng của các địa phương cho các chương trình MTQG.
Bên cạnh đó lưu ý các địa phương tăng cường phối hợp, cộng đồng trách nhiệm; quan tâm khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình MTQG cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện vấn đề để xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng xử lý...
Nguyễn Thơm - Anh Tuấn