Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, các cơ quan chuyên biệt về quản lý, phát triển và bảo vệ rừng; lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của rừng; nêu lên những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong việc phát triển bảo vệ rừng thời gian qua; đồng thời, gợi ý một số vấn đề để các bộ, ngành và địa phương tham gia thảo luận, góp ý nhằm tăng cường biện pháp; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016 cho thấy cả nước có trên 14,3 triệu ha, tăng hơn 315 ha so với năm 2015. Trong đó: bằng khoanh nuôi, tái sinh và các giải pháp bảo vệ rừng tự nhiên hiện có là trên 10 nghìn ha; rừng trồng là trên 4 nghìn ha. Độ che phủ rừng đạt 41,19%, tăng 0,35% so với năm 2015.
Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách. Ước hằng năm, cả nước thu từ 1.200-1.300 tỷ đồng; chi trả cho hơn 5,4 triệu ha rừng và ước riêng năm 2017, cả nước thu khoảng 1.650 tỷ đồng...
Bằng nhiều cơ chế, chính sách mới và sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người làm nghề rừng…Tuy nhiên, trong khi diện tích rừng cả nước tăng thì tại một số vùng như Tây Nguyên, diện tích rừng giảm.
Cụ thể, khu vực Tây Nguyên đã giảm 3.170ha so với năm 2015. Tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tuy đã giảm nhưng chưa triệt để: trong 6 tháng cuối năm 2016, phát hiện 10.466 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại là 827ha.
Tại Ninh Bình, tổng diện tích rừng được bảo vệ là hơn 15,6 nghìn ha, trong đó, khoán bảo vệ rừng có hỗ trợ ngân sách là gần 11,8 nghìn ha, rừng bảo vệ đặc dụng là hơn 4 nghìn ha.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển rừng đối với môi trường sinh thái và đời sống dân sinh, trong thời gian qua, Ninh Bình đã có nhiều giải pháp để quản lý và bảo vệ rừng như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý lâm sản; đôn đốc, hướng dẫn chủ rừng, hộ nhận khoán xây dựng và triển khgai kế hoạch bảo vệ rừng; tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ rừng và sử dụng rừng đối với một số chủ rừng, chủ hộ nhận khoán.
Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương đã tham luận về thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Tới đây UBND tỉnh sẽ có chương trình cụ thể, kiểm tra, soát lại kế hoạch phát triển, bảo vệ rừng, đặc biệt là những nơi có rừng và đang sử dụng đất rừng thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng như Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp, Kim Sơn.
Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ và lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra. Tăng diện tích cũng như chất lượng che phủ rừng góp phần hạn chế thiệt hại do mưa lũ, bão, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hà Phương-Đức Lam