Tại đầu cầu Ninh Bình, đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cùng sự tham gia của một số Sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã. Sau cơn bão lịch sử Haiyan năm 2013, Chính phủ đã chỉ đạo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn giao nhiệm vụ cho từng bộ ngành, trong đó: Bộ NN&PTNT xây dựng bản đồ ngập lụt, Bộ TN&MT xây dựng bản đồ phân vùng bão, nguy cơ bão và nước biển dâng; Bộ Xây dựng xác định rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về xây dựng các công trình, nhà cửa ứng phó với bão mạnh, siêu bão cho từng vùng và hướng dẫn chằng chống nhà cửa khi bão mạnh, siêu bão; văn phòng Ban chỉ đạo PCLB trung ương xác định rõ nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương và các công việc cần làm để ứng phó với bão mạnh, siêu bão…
Tại hội nghị, các đại biểu dự được nghe các Bộ, Ngành báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ PCLB. Theo đó khu vực ven biển Việt Nam được chia làm 5 vùng chịu ảnh hưởng của bão và nước biển dâng: Quảng Ninh -Thanh Hóa; Nghệ An-Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng-Bình Thuận; Phú Yên- Khánh Hòa; Ninh Thuận-Cà Mau. Như vậy, tỉnh Ninh Bình nằm trong vùng 1 (Quảng Ninh-Thanh Hóa) với các tháng 6, 7, 8 có nhiều bão nhất; số cơn bão trung bình trong năm từ 1-1,5 cơn; lượng mưa 470 mm; cấp bão 15 đã từng ghi nhận và nguy cơ bão có thể xảy ra ở cấp 15-16, sức gió từ 50-60m/s. Về nước biển dâng do bão đã tới mức 3,5 m; trong tương lai khi bão mạnh hơn, nước biển có thể dâng lên đến 4 m, nếu bão vào triều cường nước biển dâng có thể từ 5,7 đến 6 m.
Hội nghị cũng đã nghe ý kiến của các địa phương: Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Gia Lai, Bến Tre, Sơn La, Bình Định và các bộ Giao thông và Vận tải, Xây Dựng, văn phòng ban chỉ đạo PCLB Trung ương…với các vấn đề: Xây dựng và công bố sớm bản đồ phân bố bão, vùng ngập lụt, nước biển dâng để các địa phương có cơ sở, căn cứ xây dựng phương án ứng phó; xây dựng phương án ứng phó chi tiết cụ thể phù hợp với từng địa phương, bộ ngành; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang là thách thức lớn của toàn cầu. Việt Nam là một trong các nước bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việt Nam đã và đang triển khai tích cực công tác ứng phó với thiên tai cũng như biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đã có kết quả. Tuy nhiên diễn biến của thiên tai lại rất khó lường và dường như ngày càng phức tạp lên, chúng ta lại chưa có những phương án ứng phó với những cơn bão mạnh, siêu bão như cơn bão Haiyan năm 2013.
Thời gian qua các Bộ, ngành đã tích cực nghiên cứu, tìm hiểu và có kết quả báo cáo ở trên, nhưng đó chỉ là kết quả ban đầu cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho chính xác, cụ thể hơn để làm căn cứ cho các cơ quan, địa phương xây dựng phương án ứng phó.
Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo thiên tai, tăng cường đầu tư và thực hiện xã hội hóa công tác này. Các địa phương, bộ, ngành rà soát lại phương án PCLB&TKCN của mình; xây dựng phương án bổ sung ứng phó với bão mạnh, siêu bão và phấn đấu đến tháng 6/2015 phải hoàn thành. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bão mạnh, siêu bão cho mọi người dân chủ động phòng tránh, ứng phó. Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, vật tư, phương tiện cho việc ứng phó với bão mạnh, siêu bão.
Đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu: Sau hội nghị, các ngành và địa phương trong tỉnh chủ động xây dựng phương án bổ sung ứng phó với bão mạnh, siêu bão; Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, Sở NN&PTNT tham mưu cho tỉnh xây dựng phương án bổ sung ứng phó với bão mạnh và siêu bão.
Đinh Chúc