Tính đến cuối năm 2017, dân số trẻ em của việt nam gần 26,3 triệu. Mỗi năm, trung bình Việt Nam có khoảng 2000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Ước tính khoảng 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình. Bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em gây tổn thương nặng nề đến cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em bị tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử.
Đối với tỉnh Ninh Bình, hiện nay có 139 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ và 45 trẻ em bị bỏ rơi, có gần 3000 trẻ em khuyết tật, trong đó trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng phẫu thuật cho 33 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, hỗ trợ 900 triệu đồng phẫu thuật cho 170 trẻ khuyết tật vận động.
Cùng với đó, tỉnh ta triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đã có hiệu quả tích cực trong việc phòng ngừa trẻ em bị tai nạn thương tích, bị xâm hại, bạo lực. Tuy vậy, theo thống kê từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh vẫn xảy ra 24 vụ xâm hại tình dục, 103 trẻ em và vị thành niên làm trái pháp luật. Thực tế này tiếp tục đặt ra cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở tình ta những thách thức mới, cần sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác trẻ em và trên thực tế, công tác trẻ em đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật như: việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em tiếp tục đạt nhiều tiến bộ; tỷ suất chết ở trẻ em đang ở mức thấp; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh đạt 81%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt khoảng 98,6%; số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp đạt tỷ lệ 87% trên tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Mặc dù vậy, ở các địa phương trong cả nước vẫn còn để xảy ra những vụ tai nạn thương tích, xâm hại đối với trẻ em, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tâm lý của trẻ.
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại và bạo lực trẻ em, Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành, các địa phương cần tích cực vào cuộc, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ củamình để quyết liệt thực hiện các giải pháp mà ngành đặt ra. Thủ tướng nhấn mạnh một số việc cần làm ngay đó là: cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn, các tổ chức xã hội… cần nhận thức đầy đủ hơn và dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác trẻ em; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường đồng thời trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại cho trẻ em; các địa phương cần chủ động bố trí cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp xã. Đặc biệt, cùng với nỗ lực đẩy lùi tình trạng xâm hại, bạo lực ở trẻ em thì các địa phương, đơn vị và mỗi gia đình cần quan tâm đến những quyền khác của trẻ em.
Đào Hằng- Minh Quang