Báo cáo về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm nêu rõ: Trong năm 2013, dịch cúm A/H5N1 và một số chủng vi rút độc lực cao đã xảy ra tại nhiều nước trên thế giới và từ đầu năm 2014 đến nay đã xảy ra tại một số nước trong khu vực như Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc… Ở Việt Nam, trong năm 2013 các hoạt động phòng, chống buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép qua biên giới không rõ nguồn gốc có hiệu quả tích cực; công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch cúm gia cầm đã được chính quyền các cấp, các bộ, ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, cơ bản xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ lẻ, không để lây lan ra diện rộng. Từ đầu năm 2014 đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, dịch phát ra nhỏ lẻ, rải rác và được địa phương phát hiện sớm và xử lý kịp thời nên chưa có dấu hiệu lây lan rộng. Về cơ bản, các địa phương vẫn khống chế tốt các ổ dịch, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi gia cầm do không phải tiêu hủy nhiều gia cầm mắc bệnh.
Tại Ninh Bình, hiện nay toàn tỉnh có 4,24 triệu con gia cầm, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, trong năm 2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như: Ban hành kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, thực hiện tiêm 5,2 triệu liều vắc xin H5N1 cho gia cầm, cấp kinh phí mua 10 tấn hóa chất phục vụ công tác khử trùng, tiêu độc; tăng cường công tác tuyên truyền; triển khai quy hoạch vùng chăn nuôi; hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học… Do đó năm 2013, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định, không có ổ dịch lớn phát sinh trên địa bàn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngay từ đầu năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm A/H5N1 ở gia cầm; quyết định cấp kinh phí bổ sung cho Chi cục Thú y mua 4.000 lít hóa chất khử trùng, tiêu độc và mua 500.000 liều vắc xin cúm gia cầm để triển khai công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Giáp Ngọ; chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh, quản lý việc vận chuyển, giết mổ trên địa bàn...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Tình hình dịch cúm hiện nay rất nguy hiểm và đã có sự xuất hiện chủng vi rút mới H7N9. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai các biện pháp về phòng, chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc các giải pháp mà Chính phủ đã nêu và khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể của đơn vị mình. Đồng thời thực hiện nghiêm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm qua đường biên giới.
Đồng chí cũng đề nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp với các địa phương rà soát lại các chợ buôn bán và khuyến cáo thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng về tiêu độc khử trùng. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương để nhân dân hiểu, biết và cùng phối hợp thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch. Các đề nghị của các địa phương xin cấp vắc xin, giống, lấy mẫu…, giao cho Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Tài chính thống kê, cân đối ngân sách để cấp cho các địa phương triển khai thực hiện.
Kết luận hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Đối với dịch cúm A(H5N1), các sở, ngành, địa phương của tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp của Thủ tướng Chính phủ. Sau hội nghị hôm nay, Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể cho tỉnh trên cơ sở kế hoạch của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Các địa phương giáp ranh với tỉnh Nam Định là vùng đã có dịch quan tâm thực hiện tốt biện pháp kiểm soát vận chuyển, buôn bán gia cầm. Đối với chủng vi rút mới H7N9, cần triển khai nghiêm túc theo 4 tình huống mà Chính phủ đã đề ra. Nếu tỉnh ta phát hiện có bệnh nhân nhiễm vi rút H7N9, đề nghị Sở Y tế chủ động triển khai cách ly, phòng, chống kịp thời.
Hồng Giang