Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVT Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Theo báo cáo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia, Siêu bão Mangkhut với cường độ cấp 17 đang hoạt động ở vùng biển phía Đông Philippin và bắt đầu ảnh hưởng đến Ludong; dự báo sẽ đi vào Đông Bắc biển Đông trong sáng ngày 15/9 với sức gió cấp 14-15, giật cấp 17; có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào ngày 17/9. Vùng bị ảnh hưởng trực tiếp là khu vực Bắc Bộ đến Nghệ An, cường độ của bão rất mạnh và gây mưa lớn.
Để triển khai phòng chống bão trong thời gian tới, đối với các tỉnh, thành ở mỗi khu vực cần tập trung triển khai những giải pháp phòng, chống cụ thể.
Đối với khu vực miền núi, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh; đảm bảo thông tin liên lạc, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, sẵn sàng phương tiện để khắc phục giao thông khẩn cấp với các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; tổ chức cắm biển cảnh cáo, tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án ứng phó, chú trọng về lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời, có hiệu quả nhất; thường xuyên cập nhật thông tin về cơn bão.
Đối với khu vực trên biển, cần công bố vùng biển nguy hiểm khi bão vào; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện trên biển khi bão vào như hướng dẫn neo đậu tàu thuyền an toàn khi bão vào, chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm…
Đối với trên đất liền cần đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó rà soát lại tất cả các điểm dễ sạt lở để chủ động sơ tán người dân. Bên cạnh đó cần đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng, nhà cửa của người dân, các công trình sản xuất; đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp; chủ động phương án đảm bảo an toàn hồ đập, hệ thống đê điều, chủ động các phương án ứng phó sự cố tìm kiếm cứu nạn. Các cơ quan truyền thông tiếp tục đưa thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời diễn biến cơn bão.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh và đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Ban chỉ huy PCTT&TKCN các sở, ban, ngành, huyện, thành phố khẩn trương hoàn thành một số nhiệm vụ như: sẵn sàng vật tư dự trữ chống lụt bão do đơn vị quản lý để có biện pháp huy động kịp thời xử lý giờ đầu các sự cố, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các công trình PCLB. Đồng thời theo dõi sát diễn biến cơn bão để có tham mưu kịp thời cho Ban chỉ huy ban hành Công điện, các Văn bản triển khai ứng phó với siêu bão Mangkhut....
Chủ đầu tư các dự án, công trình phòng chống lụt bão đang thi công dang dở tạm dừng việc thi công, chuyển chuyển máy móc, thiết bị đến nơi an toàn và có biện pháp bảo vệ công trình đến khi tan bão.
Thành lập các đoàn kiểm tra công trình thủy lợi, đê điều hồ đập, các công trình trọng điểm đảm bảo an toàn chống bão. Chỉ đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi sẵn sàng triển khai phương án chống úng, tiêu kiệt nước đệm theo phương án đã được phê duyệt đảm bảo an toàn cho lúa, hoa mầu, đảm bảo an toàn hồ chứa.
Các cấp các ngành tạm dừng tất cả những cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung triển khai ứng phó với diêu bão Mangkhut đến khi bão tan. Thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành sẵn sàng tinh thần triển khai chống bão bám sát địa bàn được phân công, tập trung cao độ ứng phó với bão.
Gia Viễn, Nho Quan, Kim Sơn chủ động các phương án phòng chống lũ lụt khi có mưa lớn đảm bảo an toàn cho các hồ đập, tập trung xây dựng phương án di dân vùng bãi bồi ven biển, vùng dễ bị sạt lở, quan tâm đến các hộ gia đình chính sách...
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn bố trí phân công cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn các huyện, thành phố để phối hợp cùng với các địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn xử lý các sự cố giời đầu đảm bảo an toàn đê điều, hồ dập... khi bão đổ bộ. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nguyễn Thơm- Đức Lam