Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh; đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.
Theo Đài khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 1 giờ ngày 1/8, vị trí trung tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,5 độ vĩ Bắc; 111,2 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 1 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,2 độ vĩ Bắc; 107,8 độ kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ và cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 120km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ) giật cấp 10. Ở Biển Đông có mưa dông mạnh, ở khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 3,0-4,0m; biển động mạnh.
Ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng biển cao 2 -4 mét. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ chịu tác động của gió giật và lốc xoáy.
Tại Ninh Bình, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, từ chiều hôm nay (1/8) đến ngày 3/8 khu vực tỉnh Ninh Bình có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 200 - 300mm/ đợt, có nơi trên 300mm/đợt.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và gây mưa lớn diện rộng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Ninh Bình đã có công văn chỉ đạo và yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành thường xuyên cập nhật thông tin áp thấp nhiệt đới trên các phương tiện thông tin; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới; tổ chức rà soát số lượng tàu thuyền đang di chuyển trong vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên biển Đông để hướng dẫn phòng tránh.
Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, kể cả tàu vận tải, các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ, thông tin kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt chuẩn bị phương án tiêu nước đệm, chống ngập úng khu vực đô thị và sản xuất nông nghiệp; rà soát triển khai hiệu quả phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ"....
Tại hội nghị, đại biểu các ngành, địa phương đã báo cáo nhanh tình hình áp thấp nhiệt đới và công tác chỉ đạo, triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 1 năm 2020.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: phạm vi ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới rất rộng và có có khả năng gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét. Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống bão lũ xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ" gắn với công tác phòng chống COVID-19.
Trong đó, lưu ý đảm bảo an toàn trên biển, vùng ven biển, đất liền nơi bão có thể đổ bộ vào. Hướng dẫn đưa tàu thuyền vào khu vực an toàn neo đậu tránh bão và bảo vệ các lồng bè, khu vực nuôi thủy sản trên biển, tính mạng con người. Chú ý sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có khả năng ngập lụt, nhà ở không đảm bảo an toàn.
Các địa phương cần triển khai tốt các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, mùa màng, các công trình nhà ở của dân, công sở, nhà trẻ, bệnh viện, trường học, các nhà máy, xí nghiệp, hồ đập, đê điều...
Đặc biệt đối với khu vực miền núi và trung du dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương cần chủ động phương án và sớm tổ chức sơ tán dân ra khỏi khu vực không an toàn.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, các sở, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình, diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ động triển khai phương án phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn khu vực nuôi trồng thủy sản ở vùng bãi bồi và các xã bãi ngang của Kim Sơn bảo vệ sản xuất, tài sản và tính mạng người dân. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, báo cáo thường xuyên tình hình lũ trên thượng nguồn đổ về và kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động tham mưu để UBND tỉnh sớm ra công điện về phòng chống áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Hồng Giang - Anh Tuấn