Luật hộ tịch được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2016, gồm 7 chương, 77 điều quy định về hộ tịch và các vấn đề liên quan đến hộ tịch.
So với quy định pháp luật hộ tịch hiện hành, Luật hộ tịch có những nội dung mới mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và dân cư.
Trong đó Luật đề cao vai trò hết sức quan trọng của công tác đăng ký hộ tịch, nhất là đăng ký khai sinh, cấp giấy khai sinh và Số định danh cá nhân cho người được khai sinh khi đăng ký khai sinh; quy định xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (cùng với cơ sở dữ liệu giấy), kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quy định cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân.
Luật quy định rõ việc miễn lệ phí Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật; đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
Luật quy định UBND cấp huyện giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, xác định lại dân tộc; Luật cũng quy định rõ tiêu chuẩn, trình độ của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch...
Tại hội nghị, ngoài được phổ biến, quán triệt các nội dung kế hoạch triển khai luật hộ tịch; các đại biểu còn được nghe công tác triển khai đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; vấn đề cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; thực trạng và định hướng kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch;....
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Hà Hùng Cường-Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Luật hộ tịch là đạo luật quan trọng liên quan đến việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có văn bản ở tầm Luật để điều chỉnh riêng về lĩnh vực hộ tịch, sau nhiều năm điều chỉnh bằng các Nghị định của Chính phủ.
Vì vậy, các bộ, ngành, cơ quan liên quan Trung ương và địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến cũng như đảm bảo các điều kiện, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của luật để sớm đưa Luật hộ tịch đi vào cuộc sống.
Kiều Ân -Anh Tuấn