Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp&PTNT; lãnh đạo các huyện, thành phố.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp nhưng với sự nỗ lực của ngành, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 này vẫn đạt mức tăng trưởng 2,9%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD. Trong đó nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh như rau quả tăng trên 40%, cao su tăng trên 35%, tôm tăng 22%...
Cả nước đã chuyển gần 186 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã bước đầu gặt hái được một số thành công. Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến hết năm 2017 cả nước đã có 2.900 xã, tương đương với 32,3% số xã đạt chuẩn NTM; 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn. Bình quân cả nước đạt 13,7 tiêu chí/xã.
Phát biểu tại hội nghị, một số địa phương đã chia sẻ những kết quả cũng như kinh nghiệm của mình trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cụ thể như: ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp mang tính lợi thế; ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất; ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong tầng lớp thanh niên nông dân...
Với Ninh Bình, trong năm 2017, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh ta đã từng bước tổ chức lại sản xuất, mở rộng quy mô; đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, có một số mô hình đã và đang thực hiện đạt hiệu quả cao.
Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản ước 8,43 nghìn tỷ đồng (tăng 2,2% so với năm 2016). Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 483,2 nghìn tấn. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 110 triệu đồng/ha. Trong năm, có 20 xã về đích NTM, nâng tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM lên 67,22%. Bên cạnh đó, thành phố Tam Điệp cũng đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Năm 2018, nông nghiệp Ninh Bình đặt mục tiêu tăng trưởng 2,2%; giá trị sản xuất đạt 115 triệu đồng/ha và có thêm 10 xã, 1 huyện đạt chuẩn NTM.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả của ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2017.
Để đạt tốc độ tăng trưởng của ngành từ 2,8 - 3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không chỉ ngành nông nghiệp mà tất cả các cấp, các ngành, địa phương phải thực sự vào cuộc, đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất hơn trong tái cơ cấu ngành.
Thực hiện chuyển đổi những diện tích kém hiệm quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp. Tổ chức lại các ngành dịch vụ hậu cần phục vụ sản xuất, đặc biệt là dịch vụ logictic. Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp. Chủ động trong phòng chống thiên tai, phát triển nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, các địa phương trên cơ sở các nội dung, kế hoạch của Bộ NN&PTNT, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối chiếu với tình hình thực tế của tỉnh tổ chức triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu, phấn đấu đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Hà Phương- Đức Lam