Kết quả triển khai đề án mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2015, đã có 240 phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trong đó có 234 phòng khám bác sĩ gia đình công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế, thực hiện thanh toán BHYT.
Các phòng khám bác sĩ gia đình đã thu hút gần 2 nghìn bác sĩ tham gia, tổ chức hoạt động theo quy định của Bộ Y tế, bao gồm thực hiện KCB, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lỳ sức khỏe cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục.
Trên cơ sở kết quả bước đầu thực hiện Đề án giai đoạn 2013-2015, Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, mục tiêu chung là nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện.
Cụ thể là, hoàn thiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình phù hợp với thực tiễn Việt Nam, ưu tiên phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình gắn với trạm y tế, bằng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về hoạt động của bác sĩ gia đình, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y học gia đình, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh.
Đối với tỉnh Ninh Bình, Sở Y tế cũng đã định hướng triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình với 3 giai đoạn: Giai đoạn 2016-2017, tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu tầm quan trọng, tiện ích của việc chăm sóc sức khỏe thông qua hệ thống phòng khám bác sĩ gia đình.
Quan tâm đào tạo nhân lực bác sĩ gia đình và tổ chức tham quan học hỏi tại các địa phương đã được triển khai thí điểm. Giai đoạn hai từ năm 2018-2019 sẽ triển khai thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại 2 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; mỗi huyện, thành phố xây dựng 2 mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Đến năm 2020, căn cứ kết quả triển khai thí điểm, tỉnh Ninh Bình sẽ nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong phạm vi toàn ngành, với tất cả các bệnh viện tuyến huyện đều có phòng khám bác sĩ gia đình; 60% trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; đồng thời căn cứ điều kiện cụ thể, có thể cấp phép cho phòng khám đa khoa tư nhân hoạt động theo mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế, các địa phương, các chuyên gia y tế cộng đồng đã tiến hành thảo luận những vấn đề về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, cơ chế hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phòng khám bác sỹ gia đình là một mô hình hay trên thế giới nhưng việc triển khai thực hiện ở nước ta còn vướng mắc, chưa thông suốt và tiến độ thực hiện còn chậm.
Vì vậy, vấn đề cần làm hiện nay là tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu (bao gồm cả phòng bệnh, khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe theo đúng quy định của pháp luật) cho trạm y tế cơ sở.
Đồng thời có mức độ phân biệt rõ ràng giữa các trạm y tế ở nông thôn, đặc biệt là miền núi với trạm y tế ở thành phố. Nơi nào chưa có trạm y tế thì cần phải xây dựng, không nên cứng nhắc cho rằng, mỗi xã phải một trạm, nếu những nơi miền núi, vùng sâu vùng xa, 1 xã cần có nhiều trạm.
Cùng với đó, vấn đề cần thiết nữa là đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở…
Hạnh Chi-Minh Quang