Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có lãnh đạo Sở Tư pháp và một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của ngành Tư pháp, trong nhiệm kỳ 2016-2020 và năm 2020 nói riêng, ngành Tư pháp đã thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Việc tổng kết thực hiện các chỉ thị, nghị quyết trong các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật, quản lý Nhà nước về luật sư, hợp tác quốc tế về pháp luật đều đạt kết quả tốt.
Trong năm 2020, ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ là 112 văn bản; các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 968 văn bản trong số hơn 5.300 văn bản của cả nhiệm kỳ 2016-2020.
Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 139 nhiệm vụ, đã hoàn thành 108 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 31 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ.
Cũng trong năm qua, Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc phòng chống tham nhũng, vi phạm trong thi hành án. Bên cạnh đó, giai đoạn 2016-2020, có trên 14 triệu thông tin cá nhân được chia sẻ cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gần 1,5 triệu thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thông qua liên thông thủ tục hành chính điện tử và hàng triệu trường hợp đăng ký hộ tịch khác.
Tại Ninh Bình, năm 2020, Sở Tư pháp đã thẩm định 125 dự thảo Nghị quyết, Quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh, trong đó 12 dự thảo đủ điều kiện ban hành; 108 dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Cập nhật 43 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh vào hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật Quốc gia.
Đã tập trung chỉ đạo các phòng, đơn vị chủ động tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công và theo quy định, rút ngắn thời gian đối với những việc phù hợp sao cho đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, công tác trợ giúp pháp lý dần đi vào chiều sâu, thực sự phát huy hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương kết quả ngành Tư pháp đã nỗ lực hoàn thành trong thời gian qua. Thủ tướng đề nghị thời gian tới, ngành Tư pháp từ Trung ương tới địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa đến yếu tố con người, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ giỏi về pháp luật cả trong nước và quốc tế, vì đây yếu tố quyết định sự thành bại, có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của đất nước. Đồng thời, quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng chủ trương không để tham nhũng, lợi ích nhóm chi phối trong việc hoàn thiện và xây dựng pháp luật.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong nhiệm kỳ tới, Bộ Tư pháp phải vừa hoàn thiện hệ thống pháp luật vừa bảo đảm hệ thống pháp luật bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng. Tích cực tham mưu, triển khai thi hành hiệu quả các Kết luận của Bộ Chính trị trên các lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật, cải cách hành chính tư pháp. Đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính Tư pháp, trong đó tập trung vào lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp …
Tin, ảnh: Kiều Ân