Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2012/QH13 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, ngày 30/01/2022, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 933 đồng thời rà soát lại các nhiệm vụ có liên quan để tổ chức thực hiện.
Đối với công tác huy động vốn, Ngân hàng CSXH xây dựng Đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình năm 2022 với tổng khối lượng phát hành là 20.400 tỷ đồng, trong đó: trả nợ trái phiếu đến hạn năm 2022 là 1.400 tỷ đồng; để thực hiện cho vay ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là 19.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn sẽ dành cho thực hiện 5 chương trình tín dụng: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Đến nay đã tổ chức phát hành thành công trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh với tổng số tiền 2.600 tỷ đồng.
Cùng với việc huy động các nguồn lực để thực hiện các chính sách tín dụng, Ngân hàng CSXH chỉ đạo Ngân hàng CSXH các tỉnh, thành phố rà soát đối tượng thụ hưởng, tổng hợp nhu cầu vốn đối với các chính sách cho vay ưu đãi thuộc Nghị quyết số 11 từ các địa phương làm cơ sở để phân giao kế hoạch nguồn vốn năm 2022 và năm 2023.
Căn cứ nhu cầu các địa phương, Ngân hàng CSXH đã kịp thời phân giao chỉ tiêu, kế hoạch từng chương trình tín dụng chính sách và thực hiện giải ngân nhanh chóng. Đến nay, Ngân hàng CSXH thực hiện giải ngân 4 chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt trên 2.335 tỷ đồng, trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 2.033 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng với 14.500 khách hàng để mua 15.560 máy tính và thiết bị học trực tuyến, cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 140 tỷ đồng với 794 khách hàng, cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 7,6 tỷ đồng với 90 cơ sở được hỗ trợ.
Tại Ninh Bình, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, ngành có liên quan phối hợp với Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh thực hiện rà soát nhu cầu vay và giải ngân khi được phân bổ vốn. Tổng nhu cầu vốn tín dụng chính sách qua rà soát giai đoạn 2022-2023 trên địa bàn tỉnh là 1.098 tỷ đồng và tổng nguồn vốn Ngân hàng CSXH Việt Nam đã giao cho Ninh Bình đến ngày 15/5 là 93 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 17/5, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã giải ngân 34,8 tỷ đồng với 1.183 khách hàng được vay vốn, trong đó: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 28,5 tỷ đồng/723 khách hàng; Cho vay nhà ở xã hội 1,6 tỷ đồng/9 khách hàng; Cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến là 4.480 triệu đồng/448 học sinh, sinh viên được vay vốn mua máy tính; Cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 là 240 triệu đồng/3 cơ sở giáo dục mầm non.
Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh phấn đấu đến 31/5 sẽ hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch giải ngân đối với các chương trình: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; HSSV mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến; chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập sẽ cơ bản hoàn thành; Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội sẽ tiếp tục giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng.
Hội nghị đã nghe đại diện các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố phát biểu, tập trung vào công tác triển khai chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP. Hầu hết các đại biểu đều khẳng định, Nghị quyết số 11/NQ-CP ra đời là quyết sách rất kịp thời, trở thành bệ đỡ giúp các địa phương thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP có nhiều điểm mới phù hợp với những đối tượng thụ hưởng đang bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID -19. Đại diện các tỉnh, thành phố cũng thể hiện quyết tâm giải ngân nhanh chóng, chính xác, hiệu quả nguồn vốn ưu đãi được phân bổ; đồng thời kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với việc triển khai chính sách tín dụng thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của Ngân hàng CSXH cùng các bộ, ngành, địa phương để nhanh chóng đưa Nghị quyết 11/NQ-CP vào cuộc sống.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn và triển khai ngay chương trình cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiếp tục phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, đảm bảo đủ nguồn vốn để triển khai các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11. Các địa phương tiếp tục quan tâm dành nguồn vốn ủy thác từ địa phương cùng vốn Chương trình thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách về cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội....
Ngân hàng CSXH tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phân bổ nguồn vốn kịp thời, đảm bảo giải ngân nhanh, đúng đối tượng thụ hưởng. Đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về nội dung, ý nghĩa, các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.
Hồng Giang - Anh Tuấn