Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc và miền Trung (từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa) ở đầu cầu tại địa phương.
Tại đầu cầu tỉnh Ninh Bình, Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban PCTT&TKCN tỉnh chủ trì; các đồng chí là thành viên của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành liên quan; chủ tịch UBND các huyên, thành phố... cùng dự.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4h ngày 14/9, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 đến 100 km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và mạnh lên. Đến 4h ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An-Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15.
Như vậy, bão số 10 (tên quốc tế là DOKSURI) đang di chuyển nhanh hướng về vùng biển và đất liền nước ta. Theo dự báo, bão sẽ tiếp tục mạnh lên, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão trên biển có thể đạt cấp 12-13, giật cấp 15; từ ngày 15 đến 16/9 bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta với sức gió mạnh dần lên cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15, kèm theo nước dâng, mưa lớn trên diện rộng.
Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến của bão còn phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và đề phòng bão đổ bộ vào bờ sớm hơn dự báo.
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành và địa phương có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương có liên quan hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm "bốn tại chỗ".
Phó thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển; kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú và thực hiện neo đậu an toàn; thực hiện cấm biển vào chiều ngày 14/9.
Thu hoạch nhanh lúa, màu, thủy sản đã chín; chủ động tiêu nước đệm trong nội đồng và các khu đô thị. Sơ tán triệt để người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (vùng lũ ống, lũ quét, vùng ngập úng, vùng ven biển).
Có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng, chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện, hệ thống lưới điện. Đảm bảo an toàn cho các hồ đập thủy lợi, hồ đập thủy điện và vận hành hồ an toàn.
Có phương án đảm bảo giao thông và an toàn giao thông; thông tin liên lạc khi có bão. Chủ động ứng phó với các sự cố do bão gây ra, tập trung tìm kiếm cứu nạn kịp thời.
Đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau bão ở vùng bão đi qua và khu vực lân cận. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, lương thực, thực phẩm cần thiết cho công tác phòng chống bão.
Đối với Ninh Bình, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban PCTT&TKCN tỉnh cũng cho rằng: Đây là cơn bão mạnh, khả năng sẽ ảnh hưởng đến tỉnh ta.
Các sở, ngành, địa phương đã triển khai các phương án ứng phó: Kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, di dời dân ngoài đê BM III và khu vực Cồn Nổi vào bờ; vận hành các trạm bơm tiêu, mở cống tiêu nước đệm...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu: Huyện Kim Sơn triển khai phương án di dân vùng ngoài đê BM III vào bờ xong vào chiều 14/9 và thực hiện cấm biển trước 17h ngày 14/9; tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, chặt tỉa cây xanh.
Huyện Yên Mô chú ý đến một số hộ dân trong lòng hồ Yên Đồng; huyện Nho Quan quan tâm đến các hộ dân lòng hồ Thường Sung, hồ Thác La, mỏ khai thác khoáng sản; huyện Gia Viễn sẵn sàng phương án xả tràn Lạc Khoái.
Thực hiện cấm đò ngang, đò dọc trên địa bàn tỉnh từ 7h sáng ngày 15/9. Công ty KTCTTL vận hành các trạm bơm tiêu, cống tiêu thoát nước vùng nội đồng. Ngành điện đảm bảo đủ nguồn cho công tác chống bão, nhất là điện cho các trạm bơm tiêu úng.
Quan đội, công an chuẩn bị sẵn lực lượng phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần. Viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Hoãn tất cả các hội nghị không cần thiết, tập trung cao cho công tác chống bão. Được biết, chiều 14/9 Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh sẽ tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 10 ở các địa phương.
Đinh Chúc