Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ huy Phòng chống TT&TKCN tỉnh; các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai &TKCN tỉnh
Mở đầu hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã thông tin về cơn bão RAI. Theo đó: Đây là cơn bão muộn, diễn biến nhanh và có cường độ rất mạnh diễn ra vào thời điểm cuối năm và có hướng di chuyển ngược lên phía Bắc là hết sức bất thường, rất hiếm gặp; Bão cũng chịu tương tác của khối không khí lạnh nên không loại trừ đi gần bờ hoặc đổ bộ vào đất liền.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, tối 17/12 bão sẽ vào biển Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 13-14, giật cấp 17, gây sóng biển cao từ 6-8m ở khu vực Bắc và giữa Nam Biển đông; trong những ngày tiếp theo khu vực biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ có thể có gió mạnh, giật cấp 14-15; đe dọa trực tiếp đến an toàn của tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo các địa phương đã báo cáo tình hình triển khai ứng phó với bão RAI. Hiện, tất cả các địa phương đã có lệnh cấm biển để đảm bảo an toàn; đồng thời, thông tin cho nhân dân nhất là chủ tàu thuyền, các lao động đang hoạt động ở vùng nguy hiểm di chuyển về nơi tránh trú an toàn. Một số địa phương đã tạm ngưng việc xuống giống vụ đông để tránh thiệt hại.
Tại tỉnh Ninh Bình, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & TKCN tỉnh đã ban hành Công điện số 10 ngày 17/12, trong đó, thông báo về tình hình, diễn biến của cơn bão số 9. Đồng thời, yêu cầu các thành viên của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & TKCN tỉnh, các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời công tác ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Huyện Kim Sơn rà soát thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn phương tiện tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để phương tiện, tàu thuyền hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão; tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú.
Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu, sẵn sàng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về người và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi neo đậu, tránh trú.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 9.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là cơn bão bất thường, trong thời điểm cuối năm nhưng ở mức "siêu bão" với tốc độ nhanh, hướng di chuyển khó dự đoán, dự báo sức gió mạnh giật cấp 17. Do vậy, yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan; tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó; quyết tâm giữ vững kết quả về phòng chống thiên tai trong cả năm 2021.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, bám sát tình hình của bão, tăng cường khả năng dự báo chính xác, kịp thời thông tin cho Chính phủ, các địa phương về hướng di chuyển của bão.
Các bộ, ngành, lực lượng quân đội, công an triển khai đồng bộ, kịp thời các lực lượng sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ người dân ngoài biển, trên đảo và trong bờ trong trường hợp mưa bão ảnh hưởng lớn. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, đặc biệt là lực lượng biên phòng để kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; có phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều.
Nguyễn Lựu - Anh Tuấn