Cùng dự có các bộ ngành của Trung ương và các đầu cầu của địa phương trong cả nước. Tại đầu cầu Ninh Bình, các đồng chí: Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; trưởng các phòng, ban, cơ quan trực thuộc sở NN&PTNT tỉnh... dự hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát báo cáo vắn tắt với Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu về tình hình phát triển nông nghiệp năm 2015, mục tiêu của năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016-2020).
Theo đó: Năm 2015, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,41% (giá cố định năm 2010); trong đó nông nghiệp tăng 2,28%; lâm nghiệp tăng 7,92%, thủy sản tăng 3,06%.
Năng suất lao động tăng 1,9 lần từ 16,3 triệu đồng năm 2010 lên khoảng 31 triệu đồng năm 2015. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 54,6 triệu đồng/ha năm 2010 lên 79,3 triệu đồng/ha năm 2014; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng từ 103,8 triệu đồng/ha năm 2010 lên 177,4 triệu đồng/ha năm 2014 và lên 183 triệu đồng/ha năm 2015.
Nhìn chung trong năm 2015 có nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, thời tiết khí hậu, dịch bệnh... nhưng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của cả nước đã tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành, tái cơ cấu sản xuất.
Sản xuất ở các lĩnh vực tiếp tục phát triển theo hướng chủ đạo là nâng cao năng suất và chất lượng với nhiều địa phương đã lựa chọn cây con chủ lực tập trung đầu tư phát triển và tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn, chú trọng quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tỷ lệ và tốc độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đã tăng cao. Hệ thống thủy lợi và đê điều tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng đa mục tiêu. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp tiếp tục được đầu tư và nâng cấp theo hướng hiện đại hóa. Công tác quản lý chất lượng vật tư và sản phẩm nông nghiệp được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Hoạt động hợp tác Quốc tế được tăng cường.
Chương trình xây dựng NTM được đẩy mạnh làm thay đổi bộ mặt nông thôn và góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn với thu nhập của người nông dân năm 2015 tăng khoảng 2 lần so với năm 2010...
Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh và hiệu quả của một số ngành, sản phẩm chưa cao; XDNTM đạt kết quả chưa đồng đều; đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm; quản lý chất lượng nông sản và đảm bảo an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu...
Mục tiêu của năm 2016 và 5 năm (2016-2020) là: Tốc độ tăng trưởng sản xuất 3,5%; năng suất lao động bình quân đạt 32 triêu đồng; tỷ lệ che phủ rừng 41%; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,5%; xã đạt chuẩn nông thôn mới 23-25%; tỷ lệ người dân được hưởng nước sạch 88%...
Với Ninh Bình, năm 2015 giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp ước đạt 8.070,1 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2014; sản lượng lương thực có hạt đạt 49,8 vạn tấn; tỷ lệ người dân nông thôn được hưởng nước sạch 92%, tăng 2% so với kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng đạt 19,5%; XDNTM có 40/119 xã đạt chuẩn.
Mục tiêu của năm 2016: Giá trị sản xuất tăng trưởng từ 2% trở lên; giá trị sản xuất trên ha canh tác đạt 100 triệu đồng; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh 93,5%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới 21 xã và 1 huyện...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu bật thành tựu phát triển của đất nước trong các năm qua: Kinh tế duy trì với tốc độ tăng trưởng khá cao; đời sống nhân dân được cải thiện, hộ nghèo giàm; kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; triển khai đồng bộ 3 khâu đột phá; tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã có hiệu quả tích cực...
Thành quả đó có công đóng góp của ngành NN&PTNT vốn được Đảng và Nhà nước coi là ngành sản xuất chiến lược có vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập và tồn tại: Tăng trưởng thấp; năng lực canh tranh không cao; năng suất, chất lượng còn nhiều yếu kém...
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh một số vấn đề và yêu cầu ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện: Quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách (rà soát, điều chỉnh, bổ sung) nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; trong đó có việc rà soát lại quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực cho phù hợp với cơ chế thị trường; chú trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, xử phạt trong ngành.
Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao thu nhập cho người nông dân bằng các giải pháp: Cơ chế, chính sách để áp dụng KHKT vào sản xuất; bảo vệ thị trường nội địa phù hợp với quy định của Quốc tế trong thời kỳ hội nhập; có cơ chế, chính sách để nhân rộng các mô hình sản xuất với quy mô lớn, hiệu quả tạo mối liên kết hình thành chuỗi giá trị; thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là các nông lâm trường theo hướng có hiệu quả.
Thực hiện Chương trình XDNTM là giải pháp để thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn và chú ý đến việc tái cơ cấu sản xuất; huy động các nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đưa doanh nghiệp vào đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tập trung chỉ đạo, quản lý có hiệu quả vật tư nông nghiệp gắn với việc đảm bảo an toàn cho các sản phẩm nông nghiệp.
Quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai...mà nước ta là một nước bị ảnh hưởng nhiều. Các kiến nghị của Bộ và các địa phương giao cho các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết.
Đinh Chúc