Sau hơn 4 tháng triển khai đợt cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp (từ giữa tháng 10/2015 đến cuối tháng 2/2016), ngành Nông nghiệp đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra: Bước đầu đã ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm Salbutamol, vàng O trong chăn nuôi.
Một số vụ việc báo chí đưa tin về việc không tuân thủ các quy định về ATTP (kinh doanh, tiêu thụ rau không có nguồn gốc xuất xứ, sử dụng gạo bị ngộ độc) đã được điều tra, xác minh làm rõ, thông tin lại kịp thời cho người tiêu dùng.
Tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc BVTV trong rau đã giảm 48%, tồn dự hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt đã giảm 73%, ô nhiễm vi sinh trong thịt đã giảm 4% so với 9 tháng đầu năm 2015.
Bước đầu đã hình thành một số điểm bán nông thủy sản an toàn đã được kiểm soát theo chuỗi và được giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm đã được nâng cao. Sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan trung ương và địa phương đã chặt chẽ, bước đầu có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc kiểm tra, lấy mẫu và xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mới chỉ diễn ra ở 35 tỉnh, thành phố, việc phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm ở các địa phương còn rất hạn chế.
Tỷ lệ mẫu tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm và vượt ngưỡng cho phép trong thủy sản nuôi tăng so với 9 tháng đầu năm. Có quá ít các điểm bán nông thủy sản được kiểm soát ATTP theo chuỗi và được xác nhận an toàn.
Tại Ninh Bình, đợt cao điểm hành động VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã được triển khai sẩu rộng. Tổ chức 2 đoàn, kiểm tra tại 73 cơ sở, phát hiện 29 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 36,6 triệu đồng.
Qua đợt hành động đã kịp thời thông tin tuyên truyền đến người sản xuất, kinh doanh giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của họ trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm; bước đầu tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm có xác nhận.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, các địa phương đã chia sẻ kết quả cũng như những kinh nghiệm của mình trong việc ngăn chặn, xử lý với các hành vi làm mất ATVSTP cũng như việc phát triển mở rộng các phương thức sản xuất an toàn, chuỗi thực phẩm an toàn.
Để kiểm soát tốt hơn vấn đề VSATTP trong nông nghiệp nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới cần có những biện pháp xử lý nghiêm hơn, mức xử phạt cao hơn đối với những hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó đánh giá lại hệ thống cơ sở vật chất, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho công tác này. Tập trung cao cho vấn đề sản xuất theo chuỗi, sản xuất sạch. Nghiên cứu, rà soát qua đó giảm thiểu số lượng danh mục thuốc BVTV, thuốc kháng sinh...
Kết luận hội nghị đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị: Thời gian tới, Bộ NN&PTNT cùng các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương cần cùng nhau hành động quyết liệt giải quyết 2 vấn đề lớn, nổi cộm hiện nay là việc lạm dụng chất cấm, kháng sinh trong thủy sản nuôi và thuốc BVTV trong rau, quả, chè.
Về các giải pháp thực hiện, đồng chí yêu cầu cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, bên cạnh đó tập trung sửa đổi hoàn thiện các hành lang pháp lý có liên quan.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra tất cả các sản phẩm nông sản kể cả trong nước và nhập khẩu; duy trì tốt việc tiếp thu và xử lý các thông tin về VSATTP thông qua hệ thống đường dây nóng.
Nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Huy động sự vào cuộc của các Hội, Đoàn thể cùng với ngành nông nghiệp tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh với các hành vi vi phạm về VSATTP ở cơ sở.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định tăng cường đảm bảo vệ VSATTP tiếp tục là ưu tiên số 1 của toàn ngành nông nghiệp.
Hà Phương-Đức Lam