Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Hữu Bình, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2001-2010 nêu rõ, với Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2001-2010, lần đầu tiên trong quá trình cải cách, Chính phủ có một chương trình mang tính chiến lược, dài hạn xác định rõ lĩnh vực cải cách là: Cải cách thể chế; cải cách bộ máy tổ chức hành chính; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công. Qua 10 năm thực hiện, Chương trình đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhiều thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến người dân và doanh nghiệp như: đất đai, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu, đầu tư, hải quan, đã được rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa. Thực hiện Đề án 30, đã có trên 5.500 TTHC được rà soát, trong đó có 453 TTHC được kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ, 3.749 thủ tục được kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cả nước đã có 96,7% cấp xã, 98,5% cấp huyện và 88,3% các sở, ban, ngành cấp tỉnh triển khai thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và trật tự xã hội. Thể chế hệ thống hành chính tiếp tục được hoàn thiện, mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân được hoàn thiện theo hướng mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào hoạt động của chính quyền, giám sát hoạt động của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức...
Đối với tỉnh Ninh Bình, 10 năm qua, công tác CCHC đã được triển khai toàn diện trên các nội dung: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Qua đó, nhiều quy trình, TTHC đã được rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bộ máy hành chính Nhà nước ở địa phương đã được sắp xếp, giảm đầu mối quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được quan tâm từ khâu tuyển dụng đến tiếp nhận, sử dụng đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận: Tốc độ CCHC của nước ta vẫn còn chậm, một số lĩnh vực chưa đạt được so với mục tiêu chung...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, CCHC cần phải tiến hành đồng bộ trong tổng thể đổi mới của hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cải cách lập pháp và tư pháp. Trong đó, CCHC phải đáp ứng yêu cầu hoàn thiện nhanh và đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cần đẩy mạnh việc cải cách thể chế, xác định đây là một khâu đột phá để xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Bên cạnh đó, công tác CCHC trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung vào việc rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các TTHC rườm rà, phức tạp cho người dân và doanh nghiệp trên các lĩnh vực: đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu, các thủ tục về đất đai, cải cách mạnh mẽ các TTHC trong các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, thuế, hải quan … đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục hoàn thiện Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2015, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Quốc Khang