Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương tham dự.
Đánh giá tại hội nghị cho thấy, sau 15 năm triển khai thực hiện NQ TW 5 (khóa IX), khu vực HTX hoạt động khá ổn định. Số lượng HTX tăng hàng năm và phát triển đồng đều trên khắp các vùng miền. Các HTX ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm, nhất là HTX nông nghiệp. Nhiều loại hình HTX mới được thành lập như HTX môi trường, HTX trường học, HTX y tế…
Hiện toàn quốc có gần 23.000 HTX, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Trong đó, số lượng HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 57%. Doanh thu bình quân của một HTX năm 2018 đạt 4,4 tỷ đồng, tăng 3,6 tỷ đồng so với năm 2003. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX cũng được tăng lên từ 15,7 triệu đồng năm 2003 lên 36,6 triệu đồng năm 2018.
Cùng với HTX, số lượng và chất lượng hoạt động của Tổ hợp tác (THT) ngày càng tăng. Hiện cả nước có trên 101.400 tổ hợp tác. Doanh thu bình quân của 1 THT là 408 triệu đồng, tăng gần 76% so với năm 2003.
Tại tỉnh ta, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển cả về số lượng và chất lượng hoạt động, từng bước làm tốt hơn vai trò phục vụ thành viên, dần khẳng định được vị thế, vai trò trong xã hội.
Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 1 Liên hiệp HTX, 369 tổ hợp tác và 370 HTX, thu hút hơn 260.000 thành viên và hộ thành viên tham gia, tăng 47 HTX và hơn 7.000 thành viên so với năm 2003; số vốn điều lệ tăng 2,6 lần; thu nhập bình quân tăng 3 lần so với năm 2003. Khu vực kinh tế tập thể đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vui mừng trước những kết quả tốt đẹp mà kinh tế tập thể đã đạt được trong 15 năm qua. Đồng chí khẳng định, kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nước ta. Thời gian qua, kinh tế tập thể đã phát triển cả về lượng và chất, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, các HTX đã tổ chức lại bộ máy, nhạy bén trước nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh... Bên cạnh thành công đó, đồng chí Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: tốc độ tăng trưởng chậm, đóng góp vào GDP ít; mô hình HTX kiểu mới thành công chưa nhiều, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, chưa thu hút người dân tham gia; đối với các tồn tại, vướng mắc thì chậm đánh giá, chậm sửa đổi; khả năng tiếp cận vốn, đất đai, nhân lực, công nghệ còn hạn chế; trình độ cán bộ HTX còn thiếu cả về số lượng và chất lượng...
Thái Học - Anh Tuấn