Tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, các ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp và một số doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò quan trọng đặc biệt của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước. Nhận thức được vấn đề này, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ, tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều rào cản, nhiều trở lực cần tháo gỡ để doanh nghiệp phát triển tốt hơn, nhanh hơn. Chính vì vậy, Chính phủ tổ chức cuộc gặp này để lắng nghe, trực tiếp tháo gỡ, cùng các doanh nghiệp xây dựng đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, rào cản còn lớn lắm, đặc biệt là phải chống tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy nhà nước, tinh thần lớn nhất là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có một chương trình hành động để thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp trong cả nhiệm kỳ. Duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc kiên định duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cố gắng để mức lạm phát năm tới không vượt qua 4% theo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần triển khai một chương trình đồng bộ thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện đúng chương trình hành động đã đề ra để làm sao trong thời gian tới Việt Nam trở thành 1 trong 4 quốc gia có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất trong các nước ASEAN. Bên cạnh đó bản thân doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao nội lực của mình bằng việc không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giá cả hợp lý.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trương Hòa Bình và trên 20 ý kiến đại diện cho các bộ, ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội, phát biểu đã thẳng thắn chỉ ra các rào cản, khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, công tác cải cách thủ tục hành chính; chính sách thuế, hải quan… và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với tỉnh Ninh Bình, trong những năm gần đây, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, tập trung vào cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trên các lĩnh vực. Đến hết tháng 3/2016, toàn tỉnh có trên 5.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn trên 168 nghìn tỷ đồng.
Những năm qua, các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, chủ động sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy quản lý, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương. Năm 2015, tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp đạt gần 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước suy giảm, Chính phủ thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công... các doanh nghiệp gặp phải những khó khăn, vướng mắc về vốn, về thị trường, về nguồn nhân lực và năng lực quản lý và một số thủ tục hành chính.
Tỉnh Ninh Bình đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu xây dựng phần mềm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa cấp tỉnh, huyện và các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh, thống nhất thực hiện trên toàn quốc; ban hành hướng dẫn sửa đổi việc tự đánh giá, chấm điểm để xác định chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh; triển khai áp dụng Nghị quyết số 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, nhất là cán bộ kỹ thuật và quản lý, đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đào tạo nghề để nâng cao nhận thức và cơ hội tìm việc làm sau đào tạo tại chỗ cho lao động địa phương.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, xã hội Việt Nam đã có truyền thống tôn vinh doanh nghiệp. Tinh thần doanh nhân được thể hiện khi tổ quốc khó khăn nhất doanh nhân luôn có mặt để xây dựng đất nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dù ở giai đoạn nào Đảng, Nhà nước đều coi Doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra 10 hạn chế mà môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển như: Các luật ban hành và đi vào ứng dụng còn chậm so với thực tế; chưa có cơ chế hiệu quả trong việc khuyến khích doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến để tạo ra nhiều sản phẩm thương hiệu hàng Việt Nam để bán ra nước ngoài với giá trị cao; sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta có xu hướng giảm, do thể chế, thủ tục góp phần làm chi phí cao; chưa có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các giải pháp đột phá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo sản phẩm thương hiệu lớn; quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp còn thấp, tỷ lệ cổ phần hóa cao nhưng số vốn hóa ra thị trường chưa đến 10%, đây là tồn tại bất cập; thực trạng doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi về quy mô, thiếu hụt doanh nghiệp có quy mô vừa, quy mô lớn, chỉ số khả năng thanh toán ít cải thiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; khả năng kết nối doanh nghiệp Việt với nhau, kết nối Doanh nghiệp Việt với Doanh nghiệp FDI còn hạn chế; tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, tiêu cực gây mất nhiều thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp; Việt Nam có những tiến bộ về cải cách nhưng thực tế triển khai cải cách chưa đạt mục tiêu đặt ra; các doanh nghiệp Việt Nam đang bị hụt hơi, phản ánh rõ kết quả tăng trưởng của nền kinh tế thời gian qua khá tích cực nhưng chủ yếu dựa vào tăng trưởng theo chiều rộng, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, mặt bằng trình độ doanh nghiệp còn thấp, nhiều cắt khúc, cải cách kinh tế thị trường chưa đồng bộ, thông suốt, huy động nguồn lực chưa hiệu quả, chưa tạo thể chế cho cạnh tranh bình đẳng.
Thủ tướng cũng nêu 10 giải pháp là thông điệp của Chính phủ như: Trước hết, Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm ảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các lĩnh vực pháp luật cho phép. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt phục vụ an ninh quốc phòng, tất cả các doanh nghiệp còn lại không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế trong tiếp cận lĩnh vực như vốn, tài nguyên, cơ hội kinh doanh kể cả doanh nghiệp nhà nước cũng bình đẳng.
Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách, các văn bản quy phạp pháp luật phải quy định rõ một vấn, một cơ quan chịu trách nhiệm và người đứng đầu cơ quan đó chịu trách nhiệm đến cùng cho quyết định của mình. Các quy định về điều kiện phải lượng hóa được, minh bạch để nhà đầu tư đánh giá được việc tuân thủ, đáp ứng cầu với chi phí thấp, giảm thiểu rủi ro. Các đơn vị nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi theo tinh thần nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ...
Nguyễn Thơm