Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu UBND tỉnh, thành phố và 701 điểm cầu cấp huyện trên cả nước với hơn 19.000 đại biểu tham dự.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ huy và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh.
Tại điểm cầu các huyện, thành phố có Chủ tịch UBND và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN cấp huyện.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & PTNT, năm 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, thiệt hại về người và tài sản giảm đáng kể so với năm 2020 và thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên những tháng đầu năm 2022, thiên tai tại nước ta đã cho thấy những diễn biến phức tạp, dị thường với mưa lũ lớn trái mùa kèm theo dông lốc trên diện rộng cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung; rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía Bắc; động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.
Bên cạnh đánh giá toàn diện công tác PCTT & TKCN năm 2021, tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác PCTT & TKCN năm 2022.
Trong đó nhiều ý kiến đề nghị cần tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác PCTT; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong PCTT; tăng dày các trạm quan trắc để xây dựng bản đồ dự báo về lũ lụt...
Riêng đại diện tỉnh Kon Tum thì đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục kiểm tra, đánh giá cụ thể nguyên nhân, mức độ, nguy cơ ảnh hưởng của các trận động đất vừa qua trên địa bàn tỉnh, công bố để chính quyền và nhân dân biết, từ đó có phương án chủ động ứng phó phù hợp, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Đối với tỉnh Ninh Bình, năm 2021 trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 4 cơn bão, 4 đợt rét đậm, rét hại, 10 đợt nắng nóng... làm một số diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập úng, một vài vị trí đê, kè bị hư hỏng, sạt lở ở vùng núi 2 xã Cúc Phương, Phú Long (huyện Nho Quan).
Tuy nhiên, Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh đã có những phương án xử lý kịp thời, hiệu quả nên thiệt hại không đáng kể. Năm 2022, Ninh Bình xác định trọng điểm phòng chống thiên tai đối với bão, siêu bão, sóng thần là huyện Kim Sơn; đối với chống lũ là huyện Nho Quan, Gia Viễn; đối với xâm nhập mặn là các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô; đối với rét tậm rét hại, giống lốc là các huyện Nho Quan, Yên Mô, thành phố Tam Điệp.
Theo đó, tỉnh đang khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó với các cấp độ thiên tai, xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh; xây dựng Văn phòng thường trực trực tuyến, kết nối giao ban trực tuyến với Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT và Ban chỉ huy các cấp; tăng cường hoạt động của Đội xung kích PCTT tại từng xã, thôn, bản để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố TT & TKCN nhấn mạnh: Năm 2021 thiệt hại về người và tài sản do thiên tai ở Việt Nam đã giảm đáng kể, ngoài yếu tố khách quan là do số sự cố thiên tai, bão lũ giảm còn có nguyên nhân chủ quan, đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia PCTT, Ủy ban ứng phó sự cố thiên tai & TKCN, các bộ, ngành, địa phương; sự giúp đỡ của các cơ quan quốc tế; đặc biệt là tinh thần tự giác của các tầng lớp nhân dân trong PCTT.
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác TCTT & TKCN hiện nay, để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác PCTT & TKCN; xác định công tác PCTT & TKCN là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tiếp tục rà soát bổ sung đảm bảo đồng bộ, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ PCTT & TKCN. Chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai.
Đa dạng các hình thức truyền tin phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể, cung cấp kịp thời nhất thông tin đến người dân. Lồng ghép nội dung PCTT vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và hoạt động văn hóa, tôn giáo, sinh hoạt cộng đồng tại địa phương. Đa dạng hóa việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác PCTT & TKCN; hiện đại hóa phương tiện trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp & PTNT sớm hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình tổng thể PCTT quốc gia; Chương trình sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai và các chương trình, dự án trọng điểm khác về PCTT.
Nguyễn Lựu - Anh Tuấn