Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021
Thứ Sáu, 04/06/2021, 03:04
Zalo
Sáng 4/6, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai và TKCN tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) năm 2021.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021
Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố PCTT & TKCN dự và chủ trì; cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai.
Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh. Cùng dự có các đồng chí: Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh và các huyện, thành phố.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thiên tai diễn biến hết sức phức tạp với tổng số gần 500 đợt quy mô quốc gia và khu vực. Ở trong nước, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước; đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long…, dịch COVID- 19 đã bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hướng rất lớn các hoạt động phòng chống thiên tai.
Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52 nghìn con gia súc và trên 4 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại về kinh tế, ước gần 40 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù thiên tai năm qua diễn ra hết sức nghiêm trọng, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả cùng với sự chủ động của người dân, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều tổ chức quốc tế, nhờ đó đã giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng. Thiệt hại do thiên tai tuy đã giảm thiểu, song vẫn còn lớn, nhất là thiệt hại về người.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh: Hà Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam, Cà Mau và đại diện các Bộ: Công thương, Lao động, Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Văn phòng Giảm nhẹ thiên tai Liên hợp quốc tại Việt Nam đã báo cáo kết quả thực hiện PCTT & TKCN, những đề xuất kiến nghị với các cấp Bộ, ngành.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá: phòng chống thiên tai và ứng phó thiên tai là nhiệm vụ được quan tâm chỉ đạo sát sao và hiệu quả, song ở một số cấp, ngành, địa phương còn bộc lộ một số bất cập.
Năm 2021, theo dự báo, tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Để hạn chế những tổn thất, đồng thời khắc phục khẩn trương và hiệu quả khi có thiên tai xảy ra, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, lấy sự an toàn của nhân dân làm thước đo cho kết quả hoạt động về PCTT và TKCN.
Theo chức năng nhiệm vụ đã phân công, các bộ, ngành cần chủ động xây dựng phương án ứng phó kịp thời hiệu quả, đặc biệt là xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai trong tình hình đại dịch COVID- 19.
Tại tỉnh Ninh Bình, năm 2020, Ninh Bình chịu ảnh hưởng 33 đợt không khí lạnh, 12 đợt nắng nóng, 9 đợt mưa vừa, mưa to, đặc biệt chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão. Khi thiên tai xảy ra, các cấp, các ngành luôn chủ động xây dựng và triển khai nhanh phương án ứng phó toàn diện, linh hoạt theo phương châm "4 tại chỗ". Các sự cố được phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu; lực lượng Quân đội và Công an luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong ứng phó và đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn giao thông khu vực xảy ra thiên tai. Do vậy, năm 2020, các thiệt hại do thiên tai đã được giảm thiểu.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Phạm Quang Ngọc đề nghị các sở, ngành, địa phương quán triệt tinh thần của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để triển khai thực hiện nghiêm túc.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị.
Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT căn cứ chương trình đã tổng kết và phương án PCTT & TKCN đã duyệt, nắm bắt tình hình diễn biến mới, xem xét, bổ sung; chủ động xây dựng các giải pháp đối với các vị trí trọng yếu về phòng chống lụt bão.
Công ty TNHH MTV Công trình thủy lợi tỉnh rà soát các phương án vận hành hồ đập, các cống, âu. Các đơn vị, ngành có liên quan đảm bảo thi công công trình đê biển Bình Minh IV an toàn trước mùa mưa bão.
Đối với các công trình đang thi công trên các tuyến đê, hồ đập, đề nghị các chủ đầu tư, các huyện, thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình xây dựng Nông nghiệp & PTNT tiến hành tuần tra, xem xét, chỉ đạo đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ, đôn đốc thực hiện nghiêm.