Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Bộ Công thương trình bày báo cáo về tình hình xuất khẩu cả nước năm 2017 và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu năm 2018. Năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công thương.
Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 155 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.
Đứng trước cơ hội thách thức năm 2018, Bộ Công thương đã tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và đề xuất giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018. Giải pháp này chia làm 3 nhóm lớn, chủ yếu hướng vào khối doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm: Nhóm giải pháp tác động phía cung; nhóm giải pháp tác động phía cầu; nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động và khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu.
Đối với tỉnh Ninh Bình, xuất nhập khẩu năm 2017 tiếp tục có bước tăng trưởng đáng kể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt trên 1.154 triệu USD, tăng hơn 113% so với cùng kỳ năm trước, đạt 104,9% kế hoạch năm. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Camera modun và linh kiện điện tử; xi măng và clanke; quần áo các loại. Riêng quý I năm 2018,tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 295,3 triệu USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 23,6% kế hoạch năm.
Đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận các nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động xuất khẩu như: Làm gì để tăng giá trị gia tăng của xuất khẩu Việt Nam, làm gì để Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào các chuỗi giá trị toàn cầu; sáng kiến để loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin từ thị trường nước ngoài, đối tượng xuất khẩu; cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề nâng cao giá trị gia tăng của ngành dệt may; triển vọng xuất khẩu năm 2018 và hành động của ngành da giày để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội; chính sách thuế, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, kết nối kỹ thuật một cửa ASEAN.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả đã đạt được trong hoạt động xuất khẩu của cả nước trong năm qua. Đồng chí yêu cầu, thời gian tới các Bộ, ngành, tỉnh có định hướng xuất khẩu; xây dựng những vùng chiến lược; cần chủ động và độc lập tự chủ củng cố quan hệ hợp tác quốc tế; phát huy mọi tiềm năng thế mạnh trong lợi thế xuất khẩu; đa dạng hàng hóa ngành, nghề sản xuất; cân đối xuất nhập khẩu rất quan trọng đặc biệt trong đó chủ yếu đến kiểm soát nhập siêu.
Phải có chiến lược xuất khẩu, yêu cầu các Bộ của Chính phủ tập chung tháo gỡ cho doanh nghiệp chi phí xuất khẩu kinh doanh, xây dựng hệ thống hành lang thông thoáng; phải nâng cao chất lượng sản phẩm và sự vào cuộc của các doanh nghiệp.
Nguyễn Thơm