Hội nghị trực tuyến toàn quốc về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19
Thứ Bảy, 29/05/2021, 03:01
Zalo
Sáng 29/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần "Chống dịch như chống giặc".
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐ Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự hội nghị tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận, huyện, thị xã có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh; các đồng chí thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh. Riêng các đồng chí Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ trì các điểm cầu tại các huyện, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Vừa qua, cuối tháng 4, đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, Chính phủ và các cơ quan liên quan dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, các cơ quan đã vào cuộc tính cực. Tuy nhiên, tình hình mới, diễn biến mới của dịch bệnh phức tạp hơn, nguy hiểm hơn, đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn thì mới có thể kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch phải hết sức tập trung, trách nhiệm, với tinh thần tổng lực, toàn diện, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức, chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng phải lớn...
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đợt dịch lần này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái (chủ yếu trong khu công nghiệp, sau đó lây lan ra cộng đồng), đa chủng lây nhiễm. Virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có 1 vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông khí. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng, do đó, điều trị tích cực ở các địa phương cần phải nâng cao hơn một mức. Tính từ đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến 6h ngày 29/5, trên cả nước ghi nhận tổng số 3.594 trường hợp mắc tại cộng đồng, ở 30 tỉnh/thành phố, với 12 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tình hình dịch bệnh tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Bộ Y tế nhận định, diễn biến dịch bệnh phức tạp, thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ổ dịch rải rác, chùm ca bệnh trong cộng đồng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát từ các ổ dịch cũ hoặc từ các địa phương khác hoặc có thể có các nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện...
Do đó, thực hiện xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm trên diện rộng, đặc biệt cho công nhân các KCN. Xác định nghiêm túc trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch. Huy động toàn dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng thời củng cố hoạt động tổ COVID cộng đồng và thành lập ngay các tổ COVID -19 tại các doanh nghiệp và KCN...
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố và bộ, ngành Trung ương đã báo cáo, thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, các giải pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tập trung vào các nội dung về việc thành lập, thực hiện cách ly y tế; phương án thành lập bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân; việc khen thưởng động viên cũng như xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định trong phòng chống dịch... Cùng với đó là việc cấp kinh phí đảm bảo cho công tác phòng chống dịch; chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; mua sắm vật tư, phương tiện, tiêm vắc xin phòng chống dịch...
Một số địa phương nêu những khó khăn, còn bất cập trong quá trình phòng chống dịch, đề xuất với Bộ Y tế, Chính phủ tiếp tục có sự hỗ trợ về nhân lực, vật lực, giúp các địa phương bình tĩnh, chủ động, quyết tâm cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19 thành công...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19, nhưng tại một số địa phương, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, biến chủng vi rút đợt này lây nhiễm nhanh hơn, tiến triển bệnh nặng hơn, lây nhiễm ở nhiều khu vực trong cộng đồng, khu công nghiệp, bệnh viện và xâm nhập từ bên ngoài. Một số địa phương không dự báo sát tình hình, chưa đưa ra được giải pháp sớm, hiệu quả. Một bộ phận nhân dân vẫn còn lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ biểu dương các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và những địa phương đang nỗ lực chống dịch. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phát huy các kết quả, thành quả trong công tác phòng chống dịch thời gian qua để đẩy mạnh, vận dụng tốt hơn, bám sát thực tiễn, linh hoạt, sáng tạo hơn trong chỉ đạo, thực hiện. Đồng thời một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên trì thực hiện mục tiêu kép, phát triển kinh tế - xã hội để có cơ sở vật chất, tiềm lực cho việc bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội và mọi mặt hoạt động khác của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ dự báo, thời gian tới, dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại các khu công nghiệp và một số trung tâm kinh tế lớn. Do đó, các cấp, các ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu cần nắm chắc tình hình, chủ động, sáng tạo, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Coi trọng công tác tuyên truyền, trên tinh thần người dân phải biết, hiểu và chung tay cùng Đảng và Nhà nước, tự giác bảo vệ chính mình và cộng đồng, bảo vệ quốc gia, dân tộc. Huy động mọi nguồn lực, kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, địa phương chung tay đóng góp trí tuệ, nguồn lực cho phòng, chống dịch. Tiếp tục phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh, đảm bảo các điều kiện kết thúc năm học 2020-2021 và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt kết quả tốt, an toàn...
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến toàn quốc, tại điểm cầu Ninh Bình.
Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến toàn quốc, tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quán triệt, tổ chức triển khai ngay chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch. Đồng thời khẳng định, mặc dù trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện chưa phát hiện ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, 4 ca bệnh lây nhiễm tại Hà Nội đã được cách ly, giám sát và điều trị tại cơ sở y tế nên không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng, tình hình sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp diễn ra ổn định. Tuy nhiên, các cấp, các ngành và địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Về nhiệm vụ cụ thể của từng sở, ban, ngành, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh vào việc cần lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các đối tượng có nguy cơ trên địa bàn tỉnh, nhằm sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, chủ động ngăn ngừa các trường hợp mắc bệnh, không để dịch bệnh lây lan trong doanh nghiệp và cộng đồng.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát và tăng cường cơ sở vật chất cho công tác phòng chống dịch, chủ động với các phương án, kịch bản phòng chống dịch đã ban hành. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp.
Chuẩn bị các điều kiện tổ chức tốt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi vào lớp 10 THPT. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong khai báo y tế. Đối với các huyện, thành phố, cần tập trung, chỉ đạo, nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng, sâu sát và rất cụ thể các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để kịp thời hướng dẫn, triển khai thực hiện.
Cùng với đó, rà soát, tăng cường cơ sở vật chất trong khu cách ly. Phát huy hiệu quả Tổ COVID-19 cộng đồng, khuyến khích thành lập Tổ COVID-19 trong các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao và chủ động công tác phòng chống dịch.
Các đơn vị, địa phương đã chỉ đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, đề nghị các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các địa phương, tiếp tục tập trung cao hơn, quay trở lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, thực hiện các nhiệm vụ, chương trình hành động của tháng, của quý, của năm đã đề ra, cùng cả nước phòng chống dịch COVID-19 thành công, thúc đẩy KT-XH trên địa bàn tỉnh phát triển.