Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.
Năm 2021, với phương châm hành động "Kỷ cương, gương mẫu, đoàn kết, tinh thông, sáng tạo, hiệu quả", Bộ, ngành Nội vụ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn lực để rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng.
Nổi bật là đã tham mưu cho Hội đồng bầu cử Quốc gia và Chính phủ, phối hợp cấp ủy và chính quyền địa phương tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Chủ động phối hợp thẩm định tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn chức danh lãnh đạo UBND cấp tỉnh bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trong năm, ngành đã tiếp tục thực hiện hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, ngành, địa phương.
Thực hiện có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế. Tính đến hết năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015. Đây là lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, tạo chuyển biển tích cực, đáp ứng tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng thực chất, tạo động lực cho phát triển.
Công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được chú trọng. Lĩnh vực văn thư, lưu trữ ngày càng được quan tâm đầu tư để bảo đảm an toàn và phát huy được giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia. Công tác quản lý hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ từng bước đi vào nền nếp.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao những kết quả của ngành Nội vụ đạt được trong năm 2021, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế".
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Thủ tướng đề nghị toàn ngành cần tập trung khắc phục những hạn chế như: việc tham mưu xây dựng thể chế so với thực tiễn vẫn còn lạc hậu, chậm đổi mới; việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các Bộ vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đủ tầm; công tác quản lý Nhà nước vẫn chưa thực hiện đúng tầm nhiệm vụ.
Nhấn mạnh chức năng, nhiệm vụ, chia sẻ những khó khăn của ngành, Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới ngành Nội vụ cần phát huy tối đa dân chủ, tập trung trí tuệ tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ phù hợp với kiến tạo, phát triển và quản trị nền hành chính Nhà nước các cấp.
Rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của bộ máy, đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ phòng chống dịch, do đó ngành Nội vụ cần chủ động hơn trong công tác tham mưu bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, góp phần thực hiện 2 chương trình công tác trọng tâm năm 2022, đó là đảm bảo phòng chống dịch, phục hồi kinh tế.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Chú trọng tham mưu có cơ chế, chính sách tuyển dụng nhân tài. Hoàn thiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đẩy mạnh cải cách hành chính. Đẩy mạnh chuyển đổi số của Bộ, ngành Nội vụ, hoàn thành toàn bộ dữ liệu liên quan đến các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ. Coi trọng công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt, bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Mai Lan - Đức Lam