Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Y tế năm 2022
Thứ Năm, 20/01/2022, 02:10
Zalo
Sáng 20/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Y tế năm 2022 tại trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận, huyện, thị xã. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID -19 chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Y tế năm 2022
Dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, tổ chức Hội; các phòng chuyên môn, bệnh viện trực thuộc ngành Y tế...
Năm 2021, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021.
Hệ thống thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, rà soát, bổ sung kịp thời các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật. Một trong những điểm sáng nổi bật của cả nước là việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, kịp thời chuyển trạng thái từ không COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, ngành Y tế đã chủ động tham mưu, đề xuất và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở thực tiễn; nỗ lực hết sức trong điều kiện năng lực, nguồn lực của hệ thống Y tế còn hạn chế; đảm nhiệm vai trò chủ lực, then chốt cùng các ngành, các cấp triển khai thực hiện ngày càng có hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng tập trung phòng, chống các dịch bệnh khác, không để xảy ra "dịch chồng dịch". Số ca mắc, tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm đều giảm so với năm 2020.
Công tác quản lý môi trường y tế, truyền thông, y tế cơ sở được tăng cường, giúp người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân và cộng đồng, giảm nguy cơ phải nhập viện, đặc biệt là người cao tuổi, mắc bệnh mạn tính.
Ngành Y tế cũng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ "kép", bảo đảm an toàn bệnh viện và phòng, chống dịch trong giai đoạn bình thường mới. Tăng cường năng lực ngay tại cơ sở, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong.
Đặc biệt, từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc xin rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới. Đến nay, tỷ lệ bao phủ cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 100%, 2 mũi là 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 92%, 2 mũi là 76%. Số ca nhiễm dịch nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt...
Sau khi nghe các tham luận, phát biểu ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế..., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà ngành Y tế đã đạt được trong năm 2021.
Khẳng định, dịch bệnh đã tạo ra thách thức lớn, song ngành Y tế đã thể hiện rõ ý chí, bản lĩnh, năng lực, phẩm chất của mình trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thủ tướng cũng chỉ rõ những thành quả đã đạt được, phân tích những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế và yêu cầu ngành Y phải quyết liệt hành động ngay để khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt trong việc quản lý Nhà nước đối với việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Về nhiệm vụ của ngành Y tế trong năm 2022, Thủ tướng yêu cầu ngành tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết, đồng thời chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.
Trong đó, tiếp tục tập trung phòng, chống dịch COVID-19. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, toàn ngành phải tiếp tục thực hiện chế độ "trực chiến", sẵn sàng cho mọi tình huống dịch có thể xảy ra. Huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân
Triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá. Tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin nhanh chóng, an toàn, khoa học, hiệu quả.
Đẩy nhanh tiêm vắc xin liều bổ sung, mũi tăng cường, hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022.
Cùng với đó, tăng cường tự chủ về thuốc, vắc xin, các loại vật tư thiết yếu; nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Có phương án sẵn sàng tổ chức các trạm y tế lưu động tại các địa bàn diễn biến phức tạp. Bảo đảm tất cả mọi người nhiễm COVID-19 đều được quản lý, theo dõi, hỗ trợ, chăm sóc y tế phù hợp.
Sẵn sàng điều động lực lượng, hỗ trợ nhanh, kịp thời các địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao ý thức người dân tích cực, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và khen thưởng, kỷ luật kịp thời. Chú trọng việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Khắc phục các bất cập, hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động phòng chống dịch, như cấp phép lưu hành thuốc, vắc xin, xây dựng các cơ sở y tế lưu động, bệnh viện dã chiến…, đặc biệt là cơ chế mua sắm.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của y tế cấp xã, trước mắt nhằm bảo đảm năng lực ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Chú trọng chất lượng nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng tại các tuyến...
Ngành Y tế cần chăm lo tốt hơn đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cần có các biện pháp hỗ trợ, tư vấn cả về tâm lý và có cơ chế, chính sách động viên, khen thưởng kịp thời, phù hợp, nhằm động viên và phát huy tinh thần "lương y như từ mẫu"....
Ngay sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin mùa Xuân 2022.