Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Hoàng Hà, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã tham mưu kịp thời, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp chính sách tài khóa để phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch.
Quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên; chủ động xây dựng và triển khai các phương án điều hành đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước các cấp, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Về thu ngân sách Nhà nước, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân.
Trước tác động nghiêm trọng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch.
Với các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn, gia hạn năm 2021 khoảng 144 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 24,6 nghìn tỷ đồng.
Về công tác chi ngân sách Nhà nước, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 đảm bảo chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn.
Tại Ninh Bình, năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng ngành Tài chính đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện năm 2021 là 22.094 tỷ đồng, tăng 18,7% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn các huyện, thành phố (không kể các khoản huy động, đóng góp) thực hiện năm 2021 là 5.609,5 tỷ đồng, vượt 165,3% so với dự toán HĐND tỉnh giao.
Như vậy, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung và thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn các huyện, thành phố nói riêng đã vượt dự toán HĐND tỉnh giao.
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện năm 2021 là 20.136,8 tỷ đồng, vượt 31,1% dự toán, trong đó: Chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện là 19.001 tỷ đồng, vượt 34,1% so với dự toán; Chi thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương ước thực hiện là 1.135,9 tỷ đồng, bằng 95,2% so với dự toán.
Nhìn chung, ngay từ những tháng đầu năm 2021, bám sát dự toán HĐND, UBND tỉnh giao, chủ động trong công tác tổ chức điều hành ngân sách Nhà nước và triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn ngân sách nên các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán đảm bảo kịp thời, đảm bảo an sinh xã hội, kinh phí phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, góp phần quan trọng tạo điều kiện cho các ngành, các cấp, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao.
Sở Tài chính chủ động phối hợp với cơ quan Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Hà Nam Ninh thực hiện khóa sổ và xử lý ngân sách cuối năm đảm bảo theo đúng quy định; thẩm định, xét duyệt quyết toán thu - chi ngân sách Nhà nước và kiểm tra tình hình quản lý tài chính - ngân sách của các đơn vị dự toán khối tỉnh và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh năm 2020; tham mưu báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2020 vào kỳ họp cuối năm 2021 theo quy định.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Tài chính cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 đó là cần bám sát chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 01-02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ;
Chủ động theo dõi sát tình hình trong nước và thế giới tham mưu kịp thời cho Chính phủ ứng phó linh hoạt với các biến động vĩ mô cũng như các biến động trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Có chính sách khuyến khích thu và phân bổ chi ngân sách công bằng giữa các địa phương. Chú trọng bám sát thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh cho phù hợp các vấn đề chưa dự báo được, chủ động thích ứng an toàn, khắc phục các bất cập, hạn chế, kịp thời tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện, bổ sung thể chế, chính sách, các vấn đề về tài chính.
Phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, chú ý tăng thu, giảm chi không cần thiết, tiết kiệm và thực hiện ngay từ đầu, có kiểm soát, quản lý nợ công để đảm bảo các chỉ tiêu, cân đối.
Tập trung thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước; tận dụng thời cơ thị trường thuận lợi để đẩy mạnh quá trình thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2022 và thu hẹp dần những ngành, lĩnh vực kinh doanh không cần thiết, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Đồng thời ngành Tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, APEC… nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hồng Nhung - Anh Tuấn