Dự tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT đã huy động tối đa nguồn lực để tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng. Trong năm 2020, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới.
Kết cấu hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá so với các lĩnh vực khác, đảm nhận vai trò chủ yếu trong kết nối vùng miền và quốc tế, Bộ GTVT đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011-2020 khoảng 1.074 km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỉ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.
Đặc biệt, đường bộ cao tốc ở khu vực phía bắc đã hoàn thành các tuyến hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khu vực phía nam đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây nối Đông Nam Bộ và phía bắc, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương nối với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; đang triển khai 2 tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận. Khu vực miền Trung đã hoàn thành 2 tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt.
Về vận tải, trong 5 năm vừa qua, chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ có sự cải thiện vượt bậc, vận tải đường sắt từng bước được nâng cao theo hướng hiện đại, đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn; vận tải biển đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, chất lượng dịch vụ cảng biển được cải thiện rõ rệt; vận tải thủy nội địa đã tăng về thị phần sau khi đã tháo gỡ về các điểm nghẽn về hạ tầng, đưa vào khai thác các tuyến vận tải sông - biển; vận tải hàng không đã có những bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ.
Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không, đường sắt. Tính đến hết tháng 11/2020, sản lượng vận tải ước đạt 1.606,312 triệu tấn hàng, giảm 6,2%; vận tải hành khách đạt 3.215,868 triệu lượt, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Công tác đảm bảo trật tự ATGT, giảm ùn tắc giao thông; phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được ngành quan tâm triển khai thực hiện. Từ năm 2016 trở lại đây, tai nạn giao thông giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí. So với giai đoạn 2011-2015, số vụ tại nạn giao thông giảm 42,7%, số người chết giảm 19%, số người giảm 53,91%.
Công tác giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn và trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay, hầu như không xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút tại hai thành phố lớn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: Năm 2020 Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 và thiên tai gây ra. Tuy nhiên với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự đồng lòng chung sức của doanh nghiệp và nhân dân, Việt Nam đã vượt qua khó khăn và đạt được rất nhiều kết quả quan trọng. Nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương, lạm phát được kiềm chế, văn hóa xã hội tiếp tục có tiến bộ, đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao. Kết quả này có sự đóng góp rất quan trọng của ngành GTVT.
Bước sang năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành GTVT nhanh chóng triển khai chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết 01 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến phát triển của ngành GTVT và khẩn trương rà soát hoàn chỉnh quy hoạch ngành.
Tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn (2021-2025), đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án quan trọng đã có nguồn như cao tốc Bắc Nam, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ thuận…
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao sản lượng, chất lượng dịch vụ vận tải, nâng cao tính kết nối giữa các phương thức vận tải. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển dịch vụ logictic Việt Nam đến năm 2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị ngành GTVT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là siết chặt quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện nhằm đảm bảo công tác an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.
Tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực công tác.
Hồng Giang - Anh Tuấn