Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vương Đình Huệ; Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.
Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay vẫn là một "điểm mờ" trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế. Giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018.
Có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó 4 bộ, ngành và 4 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 80%. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung. Có 31 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 30%.
Nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân do một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công; công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Công tác giao kế hoạch chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án. Các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.
Riêng nguồn vốn ODA giải ngân chậm do nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp; một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.
Tại tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 15/9, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân đạt trên 2.580 tỷ đồng, bằng 94,8% kế hoạch vốn giao trong năm 2019, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương đầu tư theo các chương trình mục tiêu đạt trên 293 tỷ đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đạt trên 56 tỷ đồng; vốn nước ngoài đạt trên 120 tỷ đồng; vốn ngân sách cấp tỉnh và vốn ngân sách cấp huyện đạt trên 2.100 tỷ đồng.
Một số dự án trọng điểm của tỉnh có kế hoạch vốn lớn và đạt tỷ lệ giải ngân cao như: Dự án Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển huyện Kim Sơn và Dự án xây dựng kênh kết hợp đường Vạn Hạnh…. Tỉnh Ninh Bình là một trong 4 địa phương trong cả nước có tỉ lệ giải ngân đạt trên 80%.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận làm rõ hơn kết quả và đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đầu tư công là nguồn lực quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019. Tuy nhiên tình trạng giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 rất thấp và chậm.
Nhằm phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 thuộc tất cả các nguồn vốn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành của Trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.
Trong đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện các quy định về quản lý đầu tư công, xây dựng cơ bản, trình Chính phủ ban hành các Nghị định thay thế một số văn bản cũ không còn phù hợp;
Giao Bộ Tài chínhtiếp tục rà soát thủ tục giải ngân nhằm tạo thuận lợi cho chủ đầu tư thanh, quyết toán vốn đầu tư công năm 2019 và tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát, cập nhật thông tin giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019 đối với các chương trình, dự án đảm bảo thông tin, số liệu giải ngân đầy đủ, kịp thời, chính xác;
Giao Bộ Xây dựng rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến xây dựng, các thủ tục về thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, thẩm tra, cấp giấy phép... rút ngắn thời gian các thủ tục này.
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2019. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công năm 2019. Đồng thời lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo theo dõi đôn dốc quyết liệt; rà soát tình hình thực hiện từng dự án, từ đó phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, nhóm các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, nhóm các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân để kịp thời giải quyết và tháo gỡ.
Chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2019 của các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.Đối với vốn trái phiếu Chính phủ và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn viện trợ không hoàn lại, trường hợp có nhu cầu vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài được giao hoặc phát sinh khoản vay mới chưa được dự toán, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Hồng Giang - Anh Tuấn