Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có các đồng chí: Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy và một số sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu được quán triệt nội dung cơ bản của Chỉ thị số 10/CT-TTg. Trong đó, Chỉ thị 10/CT- TTg đã tập trung thực hiện các giải pháp: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm.
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có nhiều ý kiến tham luận về thực trạng và giải pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc tại các đơn vị. Đồng thời, tham gia ý kiến, đề xuất một số giải pháp tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, như: Minh bạch hệ thống pháp luật; đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin-cho; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công; phân biệt rạch ròi thẩm quyền và nội dung kiểm tra, thanh tra...
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cùng quyết tâm tổ chức thực hiện các biện pháp, nội dung yêu cầu của Chỉ thị một cách nghiêm túc, hiệu quả, góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đồng chí yêu cầu, sau hội nghị các ngành, địa phương cần có kế hoạch cụ thể để triển khai, đưa Chỉ thị vào cuộc sống. Từng bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm để tăng cường thi hành các biện pháp phòng ngừa, chấn chỉnh, tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả của Chỉ thị.
Bên cạnh đó, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Chỉ thị, nếu để xảy ra tiêu cực phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước; phải coi đấu tranh, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài...
Tin, ảnh: Kiều Ân - Đức Lam