9 tháng đầu năm 2021, kinh tế châu Âu tăng trưởng trở lại nhờ chiến lược tiêm phòng vắc xin. Tuy nhiên, các quốc gia châu Á lại phải đối mặt với diễn biến phức tạp từ các biến chủng mới của virut SARS-CoV-2.
Tại Việt Nam, làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng Tư đến nay, đặc biệt tại các tỉnh kinh tế trọng điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trên địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện việc giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ đều bị ảnh hưởng, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ, lưu trú, ăn uống. Chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày, điện tử… cũng bị gián đoạn, đứt gãy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương cũng như Sở Công thương các địa phương đã tham mưu cho Chính phủ, các tỉnh, thành phố đưa ra những quyết sách hiệu quả, đảm bảo được chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong và ngoài vùng dịch; duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các nhà máy, xí nghiệp; thương mại điện tử phát triển, việc tiêu thụ nông sản ở nhiều địa phương diễn ra tích cực.
Nhờ đó, bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021 vẫn có được mức tăng trưởng dương 1,42%; an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Ninh Bình, với việc chủ động tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá. 9 tháng đầu năm 2021 chỉ số công nghiệp IIP toàn tỉnh tăng 7,89%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 71.404,6 tỷ đồng; doanh thu bán lẻ hàng hóa ước thực hiện trên 25.152,1 tỷ đồng (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước).
Phát biểu ý kiến thảo luận tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố đã báo cáo tình hình kiểm soát dịch bệnh, sản xuất, phát triển kinh tế tại địa phương; nêu lên một số khó khăn tồn tại, đồng thời kiến nghị các nội dung liên quan đến điều tiết giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp, cũng như việc giảm lãi suất, tái cơ cấu lại nợ để có nguồn lực cho các doanh nghiệp phục hồi.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, bước sang quý IV/2021, kinh tế- xã hội nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu còn hiện hữu. Do vậy, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm đặt ra rất nặng nề.
Bộ trưởng yêu cầu, trước mắt, chính quyền các địa phương và ngành Công thương cần tập trung vào việc xây dựng các giải pháp phục hồi kinh tế cho từng lĩnh vực, từng địa bàn. Nắm bắt kịp thời, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách sớm khắc phục, tháo gỡ, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Đặc biệt, bằng mọi biện pháp khơi thông cung ứng nguyên vật liệu cũng như tránh đứt gẫy về lao động. Cùng với đẩy mạnh sản xuất, cần tăng cường lưu thông, phân phối hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trực tiếp và trực tuyến.
Ngoài ra, cần chú trọng đẩy nhanh việc triển khai các dự án đầu tư lớn của ngành, các dự án năng lượng để vừa đảm bảo an ninh năng lượng vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.
Đề nghị Sở Công thương các địa phương thực hiện rà soát đánh giá lại tình hình thực hiện kế hoạch Công thương 2021 để cập nhật, điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu, giải pháp năm 2022.
Về dài hạn, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị các địa phương sớm xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển công nghiệp, thương mại địa phương. Trong đó, chú trọng các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng dựa vào lợi thế so sánh từng vùng. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn có thể tiếp cận với các hiệp định thương mại tự do.
Nguyễn Lựu- Anh Tuấn