Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), nhiều ý kiến của các tỉnh, thành phố đánh giá Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 sau 5 năm thực hiện đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đối với công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này gồm có 17 chương, 176 điều đã quy định rất cụ thể về cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường.
Do đó, một số vấn đề liên quan đến quy định về các loại thuế, phí về môi trường, hay nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền để xử lý, khắc phục, cải tạo và phục hồi môi trường đã được các tỉnh, thành phố quan tâm góp ý.
Bên cạnh đó, một số quy định không cần thiết về thủ tục hành chính, giấy phép con, quy định về mức độ phân vùng môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu của tự nhiên; đánh giá tác động, tình trạng dễ bị tổn thương và rủi ro do biến đổi khí hậu đối với các đối tượng người dân, lĩnh vực và khu vực dựa trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và dự báo phát triển kinh tế - xã hội cũng được nhiều đại biểu góp ý cho Ban soạn thảo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường TrầnHồng Hà nhấn mạnh, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã đặt môi trường trở thành vấn đề trung tâm trong phát triển của đất nước.
Trong dự thảo lần này có nhiều chính sách mang tính cách mạng với tư duy đổi mới, đặc biệt là có vai trò và tính pháp lý, giúp các tỉnh, thành phố tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quan trọng hơn, những vấn đề có tính lâu dài, chiến lược được quy định trong Dự thảo Luật khi được góp ý, tổng hợp sẽ tạo thuận lợi rất lớn để Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ sở đóng góp vào Nghị quyết Đại hội của ngành trong những năm tới.
Phát biểu kết thúc hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những kết quả trong công tác bảo vệ môi trường và lĩnh vực tài nguyên môi trường nói chung tại tỉnh ta.
Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ rõ còn một số khó khăn, vướng mắc cần các cấp, các ngành và địa phương tập trung giải quyết. Cụ thể, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố tập trung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các dự án trên địa bàn quản lý, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh trước 7/5/2020.
Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xác định và cân đối giá đất phục vụ công tác giải phòng mặt bằng, đồng thời yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc kiểm kê đất đai.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề như: phương án giải phóng mặt bằng đối với đất vườn, giải pháp để đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp...
Thái Học - Anh Tuấn