Hội nghị đã nghe Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại báo cáo tình hình thực hiện giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2019.
Theo đó, năm 2019, Quốc hội đã thông qua dự toán vốn nước ngoài cho đầu tư phát triển là 60.000 tỷ đồng, dự toán vốn nước ngoài chi hành chính sự nghiệp là 4.667 tỷ đồng và hạn mức giải ngân cho vay lại chính quyền địa phương là 17.172 tỷ đồng.
Trong 6 tháng năm 2019 ước lũy kế giải ngân vốn nước cho đầu tư phát triển là 2.050 tỷ đồng đạt 3,42% kế hoạch vốn Quốc hội giao; chi thường xuyên 833 tỷ đồng đạt 17,85% dự toán Quốc hội phê duyệt; cho chính quyền địa phương vay lại 216 tỷ đồng, đạt 1,26% kế hoạch; cho doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công vay lại 7.664 tỷ đồng đạt 29,22% hạn mức giải ngân cho vay lại.
Như vậy, tiến độ giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2019 rất chậm do các nhóm nguyên nhân: Vướng mắc trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn; vướng mắc về thủ tục đầu tư; vướng mắc về thủ tục cho vay lại; vướng mắc về thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn. Với tình hình trên đòi hỏi phải có các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy giải ngân theo kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao.
Đối với tỉnh Ninh Bình, năm 2019, được giao kế hoạch vốn từ nguồn vốn ODA là trên 284 tỷ đồng đồng cho 6 dự án. Nhìn chung, đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu có tỷ lệ giải ngân tương đối cao và sẽ phấn đấu đến hết năm tỷ lệ giải ngân đạt 100%. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn cấp phát và vốn vay lại từ ngân sách Trung ương đến nay chưa giải ngân.
Nguyên nhân do một số dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, hoàn thiện quy trình đầu tư để thẩm định và phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán. Mặt khác, thủ tục đầu tư của các dự án sử dụng vốn vay phải thực hiện qua nhiều khâu, quy trình giải ngân, thanh toán chặt chẽ, thực hiện qua nhiều bước nên việc giải ngân vốn ODA thường được thực hiện vào thời điểm cuối năm (quý IV) nên tiến độ giải ngân chậm.
Đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã tham luận, đóng góp các ý kiến tập trung vào phân tích các nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân và giải pháp nhằm thúc đẩy nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019.
Kết luận hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá cao những giải pháp mà các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đồng thời đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cho phù hợp. Trong đó, chú trọng sửa đổi Nghị định 132/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương rà soát lại ngân sách đầu tư phát triển chi từ nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019; lập dự toán cho năm 2020.
Đề nghị các bộ, ngành, địa phương, Ban quản lý các dự án chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề ký hợp đồng và triển khai các hợp đồng để đảm bảo có khối lượng hoàn thành, tạo điều kiện thanh toán vốn; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại, các nhà tài trợ trong việc giải ngân, rút vốn;
Thực hiện tốt công tác thẩm định các chương trình, dự án vay vốn ODA; Phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ trong việc đàm phám, ký kết các hiệp định vay, các thủ tục điều chỉnh thời hạn giải ngân rút vốn và phân bổ ngân sách; có giải pháp thúc đẩy quá trình thực hiện dự án không để tình trạng kéo dài việc giải ngân, rút vốn.
Hồng Giang - Anh Tuấn