Tại đầu cầu Ninh Bình, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh; một số doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh...dự Hội nghị. Tại Hội nghị này Chính phủ đánh giá lại 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP; các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tham luận hiến kế, kiến nghị với Chính phủ; các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị.
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP với các nguyên tắc quan trọng là: Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật; Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm…đã có tác động rất lớn đến bộ máy cơ quan Nhà nước các cấp, không chỉ cơ quan hành pháp mà kể cả hệ thống tư pháp.
Điều đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho biết đã gặp thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính từ những giải pháp rất cụ thể của Nghị quyết như: Kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng hay giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ.
Có thể nói, Nghị quyết 35 đã góp phần tạo dựng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế; bộ máy công quyền đã có sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức với tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, là "tương đối tích cực", "tích cực" và "rất tích cực", chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này. Trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 110.100 doanh nghiệp, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay; số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng 48,1% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 24,1%.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 39.580 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 369.635 tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 11.545, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tính đến 20/4/2017, cả nước có khoảng 612 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động. Đã có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp kiến nghị đề xuất trực tiếp tại Hội nghị, hoặc do thời gian có hạn nên gửi văn bản kiến nghị đến Chính phủ và đã được các thành viên trong Chính phủ (Bộ trưởng, thủ trưởng các ngành) giải trình, giải đáp, trả lời, hoặc tiếp thu nghiên cứu giải quyết.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trước hết phải biến lời nói thành hành động cụ thể. Chính phủ kiến tạo phải xây dựng được môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, an toàn; để các doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ chi phí sản xuất thấp mà còn kinh doanh có hiệu quả; không chỉ khuyến khích hỗ trợ họ mà còn tôn trọng bảo vệ họ.
Thực hiện NQ 35/NQ-CP; trong 1 năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã triển khai thực hiện tích cực, có kết quả làm cho bức tranh kinh tế Việt nam đã sáng sủa lên với nhiều tín hiệu khả quan và tiếng nói của doanh nghiệp tại Hội nghị này bớt gay gắt hơn so với hội nghị trước. Điều đó chứng tỏ sự điều hành vào cuộc của Chính phủ; các cơ quan Chính phủ,; các bộ, ngành, địa phương trong việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, công bằng cho các doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập: Về cơ chế, chính sách; KHCN; thuế phí; thủ tục hành chính; tiếp cận tín dụng; thị trường tiêu thụ sản phẩm; hoạt động thanh tra, kiểm tra...Trong thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung vào các hướng sau: Tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh; đảm bảo môi trường vĩ mô ổn định; đề cao tinh thần thượng tôn Pháp luật; theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững; tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng; thúc đẩy phát triển các thị trường một cách đồng bộ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các Doanh nghiệp Việt Nam bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cho KHCN; nâng cao năng lực quản trị nhà nước và quản trị doanh nghiệp...Với tinh thần như vậy, Chính phủ luôn đồng hành cùng Doanh nghiệp
Được biết, ngay sau hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp; Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VCCI đồng chủ trì họp báo về Hội nghị.
Đinh Chúc