Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP, huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân, hỗ trợ của quốc tế, các chuyên gia giỏi, sau 3 tháng triển khai đã cơ bản hoàn thành được 10/16 nhiệm vụ cụ thể được giao trong 6 tháng đầu năm 2019.
Đến nay, đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện…
Đối với tỉnh Ninh Bình, năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh, cùng với sự quyết tâm vào cuộc của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và người dân, doanh nghiệp, nhận thức, ý thức trong việc ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Hạ tầng CNTT, nền tảng chính quyền điện tử tiếp tục được quan tâm đầu tư, nguồn nhân lực CNTT đã cơ bản được đáp ứng; công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được chú trọng tăng cường, các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh được vận hành ổn định, an toàn phục vụ tốt cho công tác quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả.
Năm 2018, tỉnh Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT tăng 34 bậc và 219 điểm so với năm 2017, đứng thứ 16 trong tổng số 63 tỉnh thành của cả nước. Đây là yếu tố quan trọng, then chốt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính (SIPAS), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Ninh Bình.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận về việc triển khai những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 17/NQ-CP; kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ người dân và doanh nghiệp; giải pháp phát triển cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 17/NQ-CP.
Các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng các nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu về định danh và xác thực điện tử, về bảo vệ dữ liệu cá nhân; nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư; nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Chỉ đạo hoàn thiện Đề án về giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương. Các đơn vị có liên quan cần tập trung kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia (dự kiến được đưa vào hoạt động chính thức vào tháng 11/2019)…
Thùy Phương - Đức Lam