Tại hội nghị phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội. Muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc phải đồng thời thực hiện tốt cả 3 yêu cầu cốt lõi là: Vệ sinh phòng bệnh, ăn uống điều độ, bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên. Việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe phải là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), so với các quốc gia có cùng trình độ phát triển kinh tế, một số chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt cao hơn như tuổi thọ, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám chữa bệnh… và một số chỉ số đạt ngang bằng các nước có thu nhập khá. Đây là những thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe mà toàn ngành y tế đã đạt được. Tuy nhiên, sự nghiệp bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân còn nhiều khó khăn, thách thức mới, như mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hành vi thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, bệnh hô hấp mãn tính. Những bệnh này chiếm hơn 7% tỷ lệ người tử vong hàng năm. Tầm vóc, thể lực của người Việt cũng chưa được cải thiện nhiều...
Để thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là phải nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Tuyên truyền các hành vi, lối sống có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Cùng với làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, cần cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại tuyến cơ sở để mọi người dân được kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, được tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị, quản lý liên tục tại nơi sinh sống, nhất là đối với những người mắc các bệnh mãn tính và người cao tuổi. Mọi người phải được chăm sóc, quản lý sức khỏe ngay từ khi trong bụng mẹ.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe, trong đó chú trọng giảm tiêu thụ thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt có đường, thực phẩm chế biến sẵn và các sản phẩm có nguy cơ gây bệnh. Cải thiện và bảo vệ môi trường sống như đất, nước, không khí, rác thải, tiếng ồn, nhà vệ sinh, sóng điện tử… Phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước ở trẻ em…
Khuyến khích tổ chức sản xuất kinh doanh, cung cấp thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng cho từng lứa tuổi. Đặc biệt, lưu ý thực hiện tốt chương trình dinh dưỡng học đường, sữa học đường, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nhất là thể thấp còi.
Phát triển thể dục thể thao và tăng cường rèn luyện thân thể, trước hết là trong hệ thống giáo dục phát huy kết quả đạt được tiếp tục đẩy mạnh giáo dục thể chất trong nhà trường, tạo sự lan tỏa sâu rộng, phát triển thể dục thể thao trong các cơ quan, các xí nghiệp và toàn xã hội. Tạo điều kiện khuyến khích người dân tiếp cận sử dụng không gian công cộng, cơ sở luyện tập thể dục thể thao...
Trong khuôn khổ Lễ phát động sáng 27/2 tại Ninh Bình đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như: Các đại biểu được tư vấn khám sức khỏe, đo huyết áp, xét nghiệm đường máu, thực hiện màn tập thể dục nâng cao thể lực 3 phút... Đồng thời, tại một số tuyến phố chính của thành phố Ninh Bình, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình đã tổ chức diễu hành, tuyên truyền lưu động để cổ động người dân tham gia, hưởng ứng chương trình, tuyên truyền toàn dân tăng cường vận động thể lực nâng cao sức khỏe, quan tâm kiểm tra sức khỏe phát hiện sớm bệnh tật.
Mỹ Hạnh