Mô hình Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, định hướng dự phòng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Khi triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại tuyến xã sẽ giúp người dân quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục.
Đây là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, kiểm soát được bệnh tật, giảm tỷ lệ mắc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Năm 2017, Bộ Y tế đã chọn 26 Trạm y tế của 8 tỉnh, thành phố để thực hiện mô hình thí điểm,
Bằng sự đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, đào tạo chuyên môn, bổ sung bác sĩ cho TYT xã/phường, bổ sung danh mục kỹ thuật, thuốc… đến nay, nhiều TYT xã/phường điểm đã có những thành quả rất tích cực, cần được nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước.
Với nhiệm vụ trong công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc bà mẹ trẻ em, dinh dưỡng và giờ khám chữa bệnh BHYT, việc lồng ghép nguyên lý y học gia đình với mô hình bác sĩ gia đình rất thuận lợi để triển khai chăm sóc sức khỏe người dân tuyến đầu.
Ngành y tế phấn đấu, đến năm 2020, có 80% số tỉnh, thành phố triển khai mô hình này để cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm quá tải bệnh viện… Để việc triển khai mô hình đạt hiệu quả, cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu thêm về vai trò của y tế cơ sở, từ đó tích cực phối hợp thực hiện, đạt được hiệu quả như mong muốn.
Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: mô hình Trạm Y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là chăm sóc sức khỏe ban đầu, lồng ghép giữa Trạm y tế với gia đình để việc chăm sóc ấy mang tính lan tỏa rộng rãi, từ đó thêm điều kiện thực hiện việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe đến từng người dân, nhất là những đối tượng ưu tiên như người có công, gia đình chính sách, đối tượng khó khăn, bệnh nhân mắc những bệnh không lây nhiễm..., đảm bảo vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, ngay sau hội nghị, trên cơ sở các văn bản, hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế cần tham mưu với UBND tỉnh để có văn bản chỉ đạo chung cho các cấp, các ngành cùng triển khai thực hiện.
Cùng với đó, ngành Y tế nghiên cứu các bước triển khai theo lộ trình đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Cần phối hợp với các ngành, các cấp triển khai xây dựng Đề án hoặc Kế hoạch thực hiện. Đồng thời chỉ đạo các Trạm y tế chuẩn bị các bước về nhân lực, vật lực, nguồn tài chính, xây dựng kế hoạch riêng của từng đơn vị để khi tỉnh triển khai là thực hiện ngay. Bên cạnh đó, các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bố trí kinh phí để triển khai các nội dung này…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ, quan điểm của tỉnh là triển khai thực hiện mô hình Trạm Y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình trên cơ sở những gì đang có của các Trạm y tế xã, phường đã được đầu tư trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, do đó không triển khai theo hướng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trong điều kiện khó khăn, chưa phù hợp có thể đầu tư nâng cấp cho phù hợp.
Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu thêm về vai trò của y tế cơ sở, các Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, từ đó tích cực phối hợp trong quản lý, thăm khám, điều trị những bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, hạn chế tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Hạnh Chi- Minh Quang