Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam; các Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp Lữ hành, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng và cửa hàng phục vụ khách du lịch, các đơn vị truyền thông.
Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch Ninh Bình dự họp trực tuyến tại Văn phòng Hiệp hội Du lịch Việt Nam (tại Hà Nội) cùng với các đầu cầu ở TP. HCM, Đà Nẵng, Huế, Nghệ An và Bình Định để bàn các giải pháp, kiến nghị đề xuất với Chính phủ nhằm hạn chế các tác động của dịch nCoV tới ngành du lịch nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Hội nghị nêu rõ Du lịch vốn là ngành rất nhạy cảm với tình hình thiên tai, tự nhiên, chiến tranh và dịch bệnh. Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona gây ra đã không chỉ làm thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, trong đó làm suy giảm tốc độ tăng trưởng trực tiếp ngành du lịch.
Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, các dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch…là phổ biến hiện nay. Ước tính thiệt hại đối với ngành du lịch là hàng chục nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt mối nguy hiểm do dịch nCoV gây ra đã buộc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ có hành động quyết liệt, nhiều đường bay của các hãng hàng không tạm dừng, do vậy nhiều khách du lịch hiện đang còn mắc kẹt tại một số điểm đến, ví dụ như Khánh Hòa, Đà Nẵng…Các doanh nghiệp du lịch hiện đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch nCoV, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh.
Có thể nói, nhiều khu, điểm du lịch đã trở thành "sa mạc" , so sánh với những gì xảy ra khi ngành du lịch có dịch SARS cách đây 17 năm, thì ảnh hưởng của dịch nCoV đã và đang tác động mạnh mẽ hơn tới ngành du lịch Việt Nam.
Theo dự báo, dịch nCoV có thể sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục trong vòng vài tháng. Do vậy, có thể xem đây là một cuộc khủng hoảng tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao động trong ngành.
Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, dịch vụ… đã chủ động, kịp thời tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế tham gia vào công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Đồng thời ngành đã xây dựng kế hoạch và dự kiến thời điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa.
Trước mắt, tập trung nghiên cứu sát tình hình thị trường du lịch trong nước và quốc tế trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh; Phối hợp chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, vận tải…Thông tin du lịch có chất lượng mang tính chuyên nghiệp sẽ tạo sự tin tưởng của du khách quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác du lịch trong nước ở thị trường nguồn.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch các địa phương thực hiện việc kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh thu hút khách vào Việt Nam (tiền điện nước, thuê đất theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, giảm thuế VAT, miễn VISA…).
Phát huy mối quan hệ gần gũi với Hiệp hội Du lịch Việt Nam các nước là thị trường của du lịch truyền thống để hỗ trợ, thúc đẩy việc trao đổi khách du lịch, triển khai thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa VISTA và JATA, giữa VISTA và ASTA để thu hút khách từ hai thị trường này.
Phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch tổ chức các hội thảo chuyên đề, các khóa đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp và Hiệp hội Du lịch các địa phương về công nghệ 4.0 trong du lịch, xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam, kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng
Minh Đường