Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày báo cáo thẩm định phương án, giải pháp trong triển khai dự án đường vành đai 3, vành đai 4.
Đối với dự án đường vành đai 3, giai đoạn 1, phạm vi dự án dài hơn 76 km, có 4 làn xe, đường song hành hai bên quy mô tối thiểu 2 làn xe. Dự án giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch để giữ đất nhằm tạo thuận lợi khi đầu tư giai đoạn 2 lên 8 làn xe. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là trên 75.000 tỷ đồng. Phấn đấu năm 2025 thi công cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến và năm 2026 hoàn thiện tuyến đường.
Với dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự kiến tổng chiều dài hơn 111 km, tổng mức đầu tư trên 94.000 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh đã xây dựng đoạn Hải Phòng - Quảng Ninh. Đoạn tuyến từ Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Nam Định chủ trì, nghiên cứu chuẩn bị đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại văn bản số 6559/VPCP-CN ngày 26/6/2017.
UBND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh Nam Định lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư tại Tờ trình số 23/TTr-UBND ngày 2/2/2018 của UBND tỉnh Nam Định.
Theo phương án đề xuất, tuyến đường Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình có chiều dài khoảng 80 km (trong đó đoạn qua tỉnh Ninh Bình dài 18 km), quy mô đường cấp II đồng bằng, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.643 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án chưa được phê duyệt do chưa bố trí được nguồn vốn.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Để hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kết nối đồng bộ với mạng lưới giao thông tỉnh Nam Định, phát huy hiệu quả khai thác mạng lưới giao thông, UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép tỉnh Ninh Bình đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
Cụ thể là dự án: Đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đoạn qua tỉnh Ninh Bình; chiều dài tuyến khoảng 18 km (không bao gồm cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định); tổng mức đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư công từ gói kích thích kinh tế của Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2030 của Chính phủ. Thời gian thực hiện năm 2022-2025, hình thức đầu tư công.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng đây là các dự án rất quan trọng nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình triển khai đòi hỏi quyết tâm chính trị cao và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời nhấn mạnh đến tính pháp lý, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, cơ chế đặc thù, đánh giá tác động môi trường, hướng tuyến đối với từng dự án.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định: Trước hết, việc phát triển cao tốc sẽ tạo ra động lực rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương có cao tốc đi qua. Việc triển khai làm sớm sẽ giảm được rất nhiều chi phí GPMB. Vì vậy các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, hoàn thiện các quy trình để sớm trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội, Bộ Chính trị phê duyệt chủ trương đầu tư.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là thời cơ cho toàn bộ nền kinh tế,hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và cũng là thời cơ cho các địa phương phát triển. Đây là nhiệm vụ quan trọng mang lại hiệu quả rất lớn nhưng cũng vô cùng khó khăn, nhất là về GPMB, tiêu tốn nhiều vật tư, vật liệu xây dựng, thời gian giải ngân các dự án.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, với quyết tâm cao để hoàn thiện hồ sơ thẩm định các dự án đường vành đai 3, vành đai 4 và các dự án trong chương trình phục hồi kinh tế đảm bảo thời gian, tiến độ, chất lượng. Có khó khăn, vướng mắc gì báo cáo để kịp thời giải quyết.
Hồng Nhung