Tại đầu cầu Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên DKT.Ư Đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền là thành viên đầu tiên của Chính phủ trả lời chất vấn tập trung vào các công tác dạy nghề; chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số; hoạt động xuất khẩu lao động; công tác quản lý lao động là người nước ngoài…
Trả lời câu hỏi về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, 2 năm qua, Bộ đã hỗ trợ dạy nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho gần 800 ngàn người, trong đó đa số lao động học nghề nông nghiệp đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào trong sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Một bộ phận lao động nông thôn sau học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và doanh nghiệp ở địa phương đẩy mạnh công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời tăng cường hỗ trợ cho lao động nông thôn sau khi học nghề về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm, nhằm đảm bảo mục tiêu lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, hiệu quả cao hơn đạt ít nhất 70% trong giai đoạn 2011-2015, 80% trong giai đoạn 2016-2020.
Liên quan đến câu hỏi của về nguyên nhân của tình trạng tỷ lệ qua đào tạo nghề hiện nay đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đạt 10%, trong khi cả nước đạt 43%, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng tình trạng này là do kinh phí đào tạo nghề của các địa phương còn hạn chế. Các doanh nghiệp không "mặn mà" trong đào tạo và đầu tư vào các khu vực vùng sâu, vùng xa, do vậy không khuyến khích được đồng bào dân tộc tham gia các lớp dạy nghề. Bên cạnh đó, cách thức đào tạo nghề đối với đồng bào dân tộc chưa phù hợp, khiến công tác dạy nghề và tạo việc làm khu vực này hạn chế.
Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận đây là trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để khắc phục tình trạng này, Bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh cách thức đào tạo cho phù hợp và tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp trung tâm dạy nghề tại 62 huyện nghèo trong cả nước. Xung quanh câu hỏi về công tác quản lý lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, tính đến thời điểm tháng 7/2012 có 77.087 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó, số lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép là 67,15% và số lao động chưa được cấp phép chiếm tới 32,85%.
Để khắc phục những hạn chế đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật về việc tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài ngay từ khi chuẩn bị dự án và trong quá trình triển khai thực hiện dự án ở các địa phương. Khi thanh tra, kiểm tra phát hiện các trường hợp cố tình vi phạm thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ; Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải trình làm rõ một số nội dung liên quan.
Buổi chiều, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tiếp tục trả lời chất vấn tập trung vào việc điều chỉnh lãi suất tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; Giải pháp để khắc phục và giảm dần nợ xấu; chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; Vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trong Đề án tái cấu trúc nền kinh tế…
Trả lời câu hỏi về tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/3/2012 nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.
Nguyên nhân nợ xấu gia tăng là do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên môi trường kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, thị trường bất động sản đóng băng, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút... làm cho tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2011 chậm lại đáng kể. Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng áp dụng chiến lược tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi năng lực quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế và chậm được cải thiện, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị dẫn đến nợ xấu tăng nhanh hơn dư nợ tín dụng.
Nhằm xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động cho vay, tỷ lệ an toàn vốn và giới hạn cấp tín dụng, không cho vay mới để trả nợ cũ với mục đích che giấu nợ cũ. Đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp tín dụng và an toàn hoạt động ngân hàng nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng sẽ phải chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, xem xét giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có khó khăn tài chính tạm thời, đi đôi với tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước đã quy định và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với 4 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành công nghiệp hỗ trợ phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và chủ trương giảm nhanh mặt bằng lãi suất cho vay. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên; rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc trả nợ vốn vay; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ như: Tập trung đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đẩy nhanh thực hiện các dự án ODA, hỗ trợ thuế đúng đối tượng, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích thích tiêu thụ và tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho của các doanh nghiệp...
Về vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng là một nội dung hết sức quan trọng trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế và cần phải tiến hành khẩn trương, quyết liệt, nhưng thận trọng để đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước đã xác định 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém cần phải cơ cấu lại và đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai một số biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này. Đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phương án xử lý đối với công ty cho thuê tài chính (ALCII) thuộc Ngân hàng NN và PTNT. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước đẩy mạnh đầu tư cho các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và tập trung tín dụng ngân hàng vào các ngành, lĩnh vực thuộc 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020, trong đó ưu tiên vốn tín dụng cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ, sản xuất - chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa... góp phần cơ cấu lại nền kinh tế.
Quốc Khang